Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24134-du-thao-mo-lop-vip-trong-truong-cong-lap-394254/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201211/24134-du-thao-mo-lop-vip-trong-truong-cong-lap-394254/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dự thảo mở "lớp vip" trong trường công lập - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 14/11/2012, 08:00 [GMT+7]
24134

Dự thảo mở "lớp vip" trong trường công lập

Với mong muốn tạo ra một bước chuyển mang tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có dự thảo cho phép thu học phí cao đối với mô hình giáo dục chất lượng cao trong các trường công lập dựa trên mức độ đóng góp kinh phí của phụ huynh học sinh.
 
Ngay từ khi mới ban hành, dư luận đã có nhiều ý kiến đánh giá dự thảo còn bộc lộ nhiều bất cập, lợi ít, hại nhiều. Trong đó, nổi lên vấn đề về sự bất bình đẳng giữa các đối tượng người học.
 
Không ít người còn tỏ ra băn khoăn, những quy định nêu trong bản dự thảo liệu có đi ngược lại với tinh thần của phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do chính Bộ GD&ĐT phát động?
 
Theo quy định trong bản dự thảo, trường mầm non và các trường thuộc bậc học phổ thông, từ mầm non đến THPT được thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao với một số nhóm, lớp hoặc toàn trường. Học sinh học tập trong các lớp chất lượng cao phải đóng góp các khoản học phí, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học với mức thu cao (tạm gọi là “lớp Vip”).
 
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, việc áp dụng mức phí đóng góp cao nhằm khuyến khích các trường mầm non, phổ thông công lập phát huy khả năng đầu tư của những gia đình học sinh có điều kiện về kinh tế để thực hiện chất lượng giáo dục cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Một số ý kiến cho rằng, việc tạo điều kiện cho con em được học tập trong môi trường tốt, cơ sở vật chất khang trang, thiết bị dạy học hiện đại là nhu cầu chính đáng. Ngành giáo dục phải có trách nhiệm đẩy nhanh quá trình xã hội hóa giáo dục, tạo ra các môi trường học tập chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu này.
 
Tuy nhiên, môi trường giáo dục công lập là nơi sử dụng ngân sách của Nhà nước để đảm bảo quyền lợi học tập của phần lớn học sinh thuộc khu vực trường đóng. Việc cho phép tồn tại mô hình các lớp chất lượng cao phụ thuộc vào mức độ đóng góp kinh phí của phụ huynh học sinh bên cạnh những lớp bình thường khác có thể gây nên những hệ lụy tiêu cực, không mong muốn.
 
Trước hết, giáo dục là một lĩnh vực có nhiều nét đặc thù. Chất lượng giáo dục được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau như: Khả năng, thái độ, ý thức học tập của học sinh; năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…
 
Trong các yếu tố kể trên, cơ sở vật chất dù rất cần thiết song cũng chỉ là yếu tố phụ trợ, quan trọng nhất vẫn là nhân tố con người, trong đó, năng lực sư phạm của giáo viên và khả năng, ý thức học tập của học sinh đóng vai trò quyết định.
 
Điểm mấu chốt trong bản dự thảo của Bộ GD&ĐT là huy động các khoản đóng góp lớn từ phụ huynh học sinh để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại. Tuy nhiên, không ai dám chắc khi học sinh được học tập trong môi trường học tập hiện đại thì tất yếu chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên.
 
Một điểm khiến nhiều người băn khoăn là trong bản dự thảo, Bộ GD&ĐT chưa đưa ra các quy định sát thực, cụ thể về tiêu chí để phân biệt giáo dục dịch vụ chất lượng cao và giáo dục chất lượng cao. Nếu chỉ được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại thì rất khó để có thể khẳng định về mức độ thành công của mô hình giáo dục chất lượng cao.
 
Trong khi chưa thể khẳng định chắc chắn việc cho học sinh học tập trong môi trường cơ sở vật chất hiện đại có thể nâng cao chất lượng giáo dục thì việc áp dụng mô hình “lớp Vip” trong trường công lập có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đối tượng người học.
 
Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đã thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta quy định học sinh mặc đồng phục để không phân biệt giàu nghèo, để trẻ con dù gia đình có điều kiện hay không, dù bên ngoài xã hội ăn mặc rất đắt tiền nhưng khi bước vào môi trường giáo dục thì bình đẳng như nhau.
 
Kể cả việc cho chúng ăn chung bữa trưa cũng nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các em. Việc trong môi trường công lập có sự phân biệt giữa lớp nhiều tiền và lớp ít tiền rất phản cảm và phản giáo dục”. Môi trường giáo dục luôn hướng tới sự bình đẳng nhằm tạo ra sự công bằng giữa các đối tượng người học.
 
Xây dựng những “lớp Vip” trong trường công có khả năng làm nảy sinh tình trạng mất công bằng ngay trong một môi trường giáo dục. Mặt khác, những học sinh con nhà có điều kiện, có cơ hội vào học “lớp Vip” có thể nảy sinh tâm lý kiêu căng, tự mãn, ỷ lại vào phụ huynh.
 
Trong khi đó, những học sinh phải học “lớp thường” có thể có tâm lý tự ti, mặc cảm về bản thân, về hoàn cảnh gia đình mình. Phụ huynh của những học sinh học “lớp thường” do điều kiện kinh tế, không thể đóng tiền cho con theo học những lớp chất lượng cao sẽ không khỏi cảm thấy buồn lòng vì để cho con phải thua bạn kém bè.
 
Hiện đang tồn tại hai loại hình trường là công lập và ngoài công lập. Các trường ngoài công lập thường do các cá nhân, tập thể có tiềm lực về kinh tế thành lập. Mức thu các khoản đóng góp do các trường này tự quyết định trên cơ sở nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
 
Bộ GD&ĐT nên khuyến khích việc thành lập các trường tư thục chất lượng cao để thực hiện xã hội hóa giáo dục thay vì cho phép mở các “lớp Vip” trong trường công lập.
 
Bởi, các trường công lập thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phần lớn kinh phí xây dựng và hoạt động. Nhà nước đầu tư ngân sách cho các trường công lập là để đảm bảo một môi trường học tập công bằng cho tất cả đối tượng học sinh.
 
Trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đang tiếp tục phát động phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, việc phân ra “lớp thường”, “lớp Vip” ngay trong một môi trường giáo dục với những hệ quả tiêu cực nêu trên là vấn đề cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định có nên chính thức cho áp dụng trong thực tiễn hay không.

Bùi Minh Tuấn
.