Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201508/khu-di-tich-nha-ong-hoang-vien-noi-ghi-dau-lich-su-632148/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201508/khu-di-tich-nha-ong-hoang-vien-noi-ghi-dau-lich-su-632148/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khu di tích nhà ông Hoàng Viện: Nơi ghi dấu lịch sử - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 23/08/2015, 07:55 [GMT+7]

Khu di tích nhà ông Hoàng Viện: Nơi ghi dấu lịch sử

(Congannghean.vn)-Năm 1930 - 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ chọn nhà ông Hoàng Viện ở làng Phúc Mỹ (nay là xóm 1 Phú Sơn, xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên) làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào Cách mạng tháng Tám. Cả gia đình ông Hoàng Viện đã có nhiều đóng góp tích cực cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. Đây cũng là một trong 3 xã giành chính quyền sớm nhất ở Nghệ An trong cuộc tổng chỉ huy cướp chính quyền.

Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, toàn thể đồng bào trên cả nước đã vùng lên giành chính quyền. Hưng Nguyên là một trong 3 địa phương đầu tiên ở Nghệ An tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thành công, viết nên trang sử vàng chói lọi của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Tròn 70 năm Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước rộn ràng niềm vui độc lập.

Ngôi nhà của ông Hoàng Viện, cơ sở hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ vẫn còn nguyên vẹn và được phục dựng sau khi ông qua đời
Ngôi nhà của ông Hoàng Viện, cơ sở hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ vẫn còn nguyên vẹn và được phục dựng sau khi ông qua đời

Những ngày tháng Tám lịch sử, trên khắp các ngả đường xứ Nghệ đều rợp bóng cờ hoa. Chúng tôi tìm về huyện Hưng Nguyên, nơi được coi là cái nôi cách mạng mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh trong cao trào cách mạng giai đoạn 1930 - 1931. Mảnh đất này xưa kia là nơi đi đầu trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Lúc đó, làng Phúc Mỹ (nay là xã Hưng Châu) cùng với các xã Sơn Hải, Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu là 3 địa phương giành được chính quyền sớm nhất toàn tỉnh.

Hưng Châu xưa có tên là làng Phúc Mỹ, nằm bên bờ sông Lam hiền hòa, thơ mộng. Căn nhà của ông Hoàng Viện ở thôn Châu Sơn, làng Phúc Mỹ (nay là xóm 1 Phú Sơn) tựa lưng vào núi Nhón. Từ nơi này ra sông Lam có thể xuôi về Bến Thủy, TP Vinh hay ra ga Yên Xuân đi tàu hỏa vào Nam, ra Bắc. Với vị trí như vậy, năm 1930 - 1931, Xứ uỷ Trung Kỳ đã chọn địa điểm này làm nơi hoạt động để chỉ đạo phong trào cách mạng ở các vùng Hưng Nguyên, Nam Đàn.

Năm 1991, nhà của ông Hoàng Viện được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngôi nhà được phục dựng nguyên trạng và được giao cho ông Hoàng Văn Thước, cháu đích tôn của ông Hoàng Viện trông coi, quản lý. Cánh cổng dẫn vào nhà phủ đầy rêu phong. Ông Thước cho biết, đoàn cán bộ của Phòng Văn hóa UBND huyện mới về đây để đưa những bức ảnh đi phục hồi lại. Vì thời gian đã quá lâu nên những tấm ảnh và những bằng khen đã bị hoen ố, mối mọt nên không còn giữ được nguyên trạng. Chiếc giếng cốc nằm trước sân nhà, ngay cạnh lối vào. Căn nhà hai gian với nhiều vết tích xưa cũ, trầm mặc với thời gian.

Gia đình ông Hoàng Viện thuộc diện có của ăn, của để, số lượng ruộng, trâu, bò vào nhất nhì trong làng. Vì vậy, ngôi nhà của gia đình được xây dựng rất đẹp, theo lối kiến trúc cổ. Căn nhà nhỏ vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật phục vụ cách mạng vào những ngày còn non trẻ. Phía sau nhà có cửa thông ra núi Nhón. Ngôi nhà ngang nhỏ hơn có 3 gian để nấu ăn. Phía sau nhà có 2 căn hầm thông sâu vào núi Nhón được che phủ bởi cây cối là nơi in ấn, cất giấu tài liệu, đồng thời cũng là chỗ ẩn nấp của các chiến sỹ cách mạng. Cảnh vẫn vậy nhưng vợ chồng ông Hoàng Viện đã thành người thiên cổ.

Theo tài liệu của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, tháng 4/1931, Xứ uỷ Trung Kỳ cử phái viên về phát triển cơ sở Đảng tại các làng dọc theo sông Lam ở Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đức Thọ. Lúc bấy giờ, làng Phúc Mỹ đã có tổ chức Đảng. Được sự giác ngộ của Đảng, một số người dân đã tích cực tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có ông Hoàng Viện. Tháng 7/1930, tại nhà ông Hoàng Viện, Chi bộ Phúc Mỹ được thành lập, quần chúng ưu tú Hoàng Viện cũng được kết nạp vào Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoà chung với khí thế của toàn phủ Hưng Nguyên, nhân dân Phúc Mỹ đã vùng lên đấu tranh. Tại đây, các tờ báo “Lao khổ”, “Tiến lên” số tháng 9, 10 và 11 năm 1930 được in ấn và phát hành, kịp thời cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân. 70 năm đã trôi qua nhưng những ngày tháng sục sôi khí thế đấu tranh ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những người thuộc thế hệ trước ở nơi đây.

Bà Vương Thị Em, con dâu cả của ông Hoàng Viện (mẹ của ông Hoàng Văn Thước) năm nay tuy đã 95 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nhớ như in từng câu chuyện của thời kỳ đấu tranh quyết liệt ấy. Vợ chồng bà Em cũng là những người có công với cách mạng. Ngày đó, bà tham gia rải truyền đơn, có lần được bố chồng giao nhiệm vụ cùng chồng ra quốc lộ đón đoàn cán bộ về. “Thầy tôi vốn là người nghiêm khắc nhưng lại rất hiền lành. Hồi đó, nhà thường xuyên có khách. Họ đóng kín cửa, bàn bạc chuyện gì rất lâu ở nhà trên. Thi thoảng, tôi lại thấy họ in tài liệu. Thầy chỉ dặn chúng tôi lo cơm nước, giặt giũ quần áo cho khách thật chu đáo và không được hỏi chuyện hay làm phiền họ. Sau này, tôi mới biết họ là người của Trung ương. Đó là các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Trần Văn Quang, Chu Huy Mân, Lê Đức Anh...”, bà Em nhớ lại.

Thời điểm mà bà Em nhắc tới đó là vào khoảng tháng 10/1939. Lúc này, Xứ ủy Trung Kỳ chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng phát triển lực lượng, tập hợp phong trào để chuẩn bị cho giai đoạn cách mạng mới. Năm 1940, tại nhà ông Hoàng Viện, cơ quan Xứ uỷ đã đón đồng chí Mười Cúc (tức Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), cán bộ Trung ương về trực tiếp lãnh đạo phong trào, chỉ đạo Xứ uỷ chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.

Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tặng bà Em các tấm phiếu ăn. Những phiếu ăn này hiện đang được lưu giữ cùng nhiều hiện vật tại đây. Đó là những vật dụng phục vụ cách mạng của Xứ ủy Trung Kỳ như nồi đồng đựng mực in ấn, ấn loát tài liệu... và nhiều đồ dùng mà bà con nhân dân trong làng sử dụng để phục vụ đoàn cán bộ như bát, đũa, mâm đồng... Lúc bấy giờ, một số gia đình trong làng đều là cơ sở in ấn tài liệu và nuôi giấu cán bộ Đảng như nhà bà Hoàng Tích, ông Lê Phao, ông Hoàng Xí, ông Lê Trân...

Ông Nguyễn Đức Kim, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Châu cho biết: Ngày 17/8/1945, Xứ ủy họp tại nhà ông Hoàng Viện. Sáng 19/8/1945, sau khi có lệnh Tổng khởi nghĩa, tại Hưng Nguyên đã diễn ra cuộc mít tinh diễu hành với hơn 2.000 người tham gia. Bà con Phúc Mỹ cùng với hàng vạn người giơ cao băng rôn, biểu ngữ, tay cầm gậy gộc, cuốc, liềm đứng lên cướp chính quyền. Chiều 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền giành thắng lợi, Tri phủ Hưng Nguyên đầu hàng. Khắp mọi ngả đường, con ngõ Hưng Nguyên rợp bóng cờ đỏ sao vàng. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã giành thắng lợi trên khắp cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Với những đóng góp của mình, gia đình ông Hoàng Viện được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tặng bằng “Có công với nước”. Thôn Châu Sơn và một số gia đình trong thôn cũng được trao tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương. Năm 1964, ông Hoàng Viện qua đời. Năm 1991, ngôi nhà của ông được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Do thiếu kinh phí cũng như kinh nghiệm quản lý nên nhiều hiện vật quý đã từng phục vụ các hoạt động của Xứ ủy Trung Kỳ ngày trước và các tư liệu, ảnh đã bị hư hỏng trong sự trăn trở, xót xa của gia đình và nhân dân Hưng Châu.

.

Huyền Thương

.