Thứ Năm, 29/08/2019, 15:05 [GMT+7]

Hỗ trợ nghệ nhân trao truyền di sản

(Congannghean.vn)-Những nghệ nhân lâu năm chính là “báu vật nhân văn sống”. Thế nhưng, những người đóng góp sức không nhỏ vào việc giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa quý báu mà cha ông để lại lại chưa được hưởng sự đãi ngộ hợp lý.

Các Nghệ nhân ưu tú được vinh danh
Các Nghệ nhân ưu tú được vinh danh

Nghệ nhân giữ vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, trao truyền và khai thác kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian mà cha ông để lại, trong đó có những loại hình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện, tỉnh Nghệ An có 42 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và 65 nghệ nhân được phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân dân gian, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 14 nghệ nhân được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Các nghệ nhân còn lại chưa có chế độ hỗ trợ đặc thù nào. Bản chất của việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể là nhằm tôn vinh những đóng góp của họ đối với cộng đồng. Tuy nhiên, nếu có quy định cụ thể về các chế độ đãi ngộ phù hợp với thực tiễn cuộc sống thì các nghệ nhân mới có thể yên tâm cống hiến, trao truyền.

Thực tế hiện nay, các nghệ nhân đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Theo đó, các nghệ nhân hầu hết chưa có chế độ hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước, chủ yếu tham gia hoạt động thực hành, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa một cách tự nguyện, bởi một niềm đam mê, tâm huyết. Rất ít người sống được bằng nghề mà chủ yếu nguồn thu nhập của họ là dựa vào các nghề khác. Đối với những nghệ nhân không có nghề nghiệp ổn định, đồng thời đa số nghệ nhân xuất phát điểm là nông dân hoặc làm nghề tự do nên đời sống kinh tế tương đối khó khăn.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, sự phát triển của văn hóa hiện đại, nhiều di sản văn hóa phi vật thể truyền thống không có nhiều điều kiện để thực hành; thế hệ trẻ nhiều người chưa quan tâm nên nhiều nghệ nhân có tâm huyết chưa có điều kiện tốt nhất để được thể hiện, trao truyền và bảo vệ di sản. Chưa kể đến nhiều nghệ nhân nay tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng kém, vì vậy, những di sản họ nắm giữ có nguy cơ không có người để tiếp tục trao truyền, bảo lưu. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đúng mức đối với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Vì thế, cũng chưa có sự quan tâm, coi trọng và sự đãi ngộ xứng đáng đối với những đóng góp, tâm huyết của các nghệ nhân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Phan Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An cho biết: Để đảm bảo đời sống và khai thác, phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của các nghệ nhân, Nhà nước cần quan tâm, có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ xứng đáng hơn đối với những nghệ nhân đang nắm giữ di sản, tham gia thực hành và trao truyền di sản, nhất là đối với những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn. Có chính sách và đầu tư kinh phí cho các chương trình bảo vệ, phát huy di sản văn hóa truyền thống, nhất là di sản dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần tạo điều kiện cho các nghệ nhân có môi trường, điều kiện tốt nhất để thực hành, trao truyền di sản, tạo cơ hội cho họ được cống hiến, thực hiện những tâm huyết đối với việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nên có định hướng phù hợp để bảo vệ, phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu, nhất là di sản văn hóa dân tộc thiểu số thông qua nhiều hình thức như tổ chức các câu lạc bộ, các lớp học thực hành di sản, các liên hoan văn nghệ... Thông qua các hình thức hoạt động này vừa góp phần tích cực bảo vệ, phát huy di sản, vừa tạo điều kiện cho nghệ nhân phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm và tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống của nghệ nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, tôn vinh các nghệ nhân nắm giữ và trao truyền di sản.

.

Phan Tuyết

.