Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201202/18146-doi-phu-boc-vo-keo-399081/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201202/18146-doi-phu-boc-vo-keo-399081/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đời “phu” bóc vỏ keo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 05/02/2012, 14:01 [GMT+7]
18146

Đời “phu” bóc vỏ keo

Nghề này được xem là mới mẻ nhưng cũng rất nhọc nhằn và đã trở thành nghề của nhiều người dân nghèo.
  
Gọi là nghề cũng đúng bởi nhờ nghề đi bóc vỏ keo thuê này mà bao nhiêu gia đình đã bớt đi được gánh nặng của miếng cơm manh áo trong những lúc khó khăn nhất. Không cần vốn liếng, chỉ cần có sức khỏe, chịu khó. Nói thì đơn giản nhưng nghề này cũng có không ít gian truân, vất vả.
 
Theo những người làm rừng ở huyện Thanh Chương, công việc của họ phụ thuộc vào những ông chủ mua cây keo và cả nhóm phải theo đến đó để làm công. Phần cây được các thợ cưa gom thành đống, bóc vỏ xong thì chuyển lên xe. Người bóc giỏi, một ngày cũng chỉ được 70 - 90 ngàn đồng. Do làm ăn sản phẩm nên người làm công phải tự túc cơm nước.
 
Trong hơi men mừng năm mới và cái lạnh của sương rừng, chị Nguyễn Thị Hương ở xã Cẩm Sơn (Anh Sơn) dẫn chúng tôi đi xem cảnh bóc vỏ keo thuê của những người tha hương tìm việc.
 
Ngồi phơi lưng trong cơn mưa phùn, vừa đập vỏ keo vừa thở hổn hển, chị Tâm người ở xã khác đến đây bóc vỏ keo thuê tâm sự: Có việc thì tụi tui làm, bất kể thời gian và lễ, Tết. Hồi còn khỏe, tôi cũng xốc vác như mấy đứa thanh niên kia, giờ yếu nên anh em cho sang đập vỏ keo. Ngần ấy năm “chinh chiến” với nghề, đã làm không biết bao nhiêu rừng keo nên cũng đã có chút ít kinh nghiệm về nghề. Để tăng năng suất làm việc, khi cây vừa cắt xuống là phải bóc vỏ ngay, nếu để lâu, cây chảy hết nước sẽ khó bóc.
 
Chị cho biết thêm, để lo cho 3 đứa con ăn học, vợ chồng chị phải làm cật lực mỗi ngày.
 
Sau Tết Nguyên đán, dân tứ xứ đổ về vùng nông thôn ở các huyện có rừng keo đã đến tuổi khai thác tìm việc ngày một nhiều. Dọc theo các tuyến đường (qua các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông…), chúng tôi thấy rất nhiều điểm tấp nập người bóc vỏ cây keo thuê. Họ về đây làm thuê theo lời mời hoặc sự giới thiệu của những chủ rừng.
 
Nhiều người bóc vỏ keo thuê dọc theo những tuyến đường ở các huyện
 
Là người có nhiều năm theo các chủ vườn làm mỗi công việc bóc vỏ cây keo, chị Thương (ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn) cho biết, bóc vỏ là công việc nhẹ nhất và cũng dễ kiếm tiền hơn những công việc khác.
 
Công việc bóc vỏ cây keo ai cũng làm được và chỉ làm trong thời gian ngắn là xong. Chủ vườn không phân biệt nam hay nữ miễn là có sức khỏe, làm được đủ thứ việc là chủ thuê. Tuy vậy, cái nghề này rủi ro không ít, nhẹ thì vẹo vai, trầy xước, nặng hơn thì gãy tay do bốc vác cây lên xe… Biết cái nghề này vất vả và rủi ro nhưng không có ruộng nương, không có việc gì làm, vì miếng cơm, manh áo thì họ phải làm.
 
Những người đàn ông manh áo mong manh trong cái giá rét mùa Xuân, cánh phụ nữ thì trang phục kín bưng từ mặt đến chân đang vật lộn với những khúc keo tứa mủ, kể rằng, những đồng tiền mà họ kiếm được từ việc làm công vất vả mỗi ngày đã giúp nhiều người dân cải thiện đời sống kinh tế gia đình, có điều kiện cho con em ăn học.
 
Với họ, khi rừng còn thì đang còn việc làm. Khắp đại ngàn các huyện miền núi Nghệ An nơi quá nửa số diện tích rừng trồng là keo lai, dễ thấy từng tốp người vẫn lặng thầm với cuộc mưu sinh. Họ là những “phu” keo đắp đổi cuộc sống qua ngày bằng cái nghề vất vả. Cứ mỗi khu rừng keo khai thác, họ lại lặng lẽ lên rừng, âm thầm với cái nghề vất vả mà theo như họ nói là nghề “bóc vỏ cây lấy tiền thật”.

Trường Khuyên
.