Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nhung-tam-guong-liet-si-tieu-bieu-cong-an-nghe-an-trong-thoi-ky-chong-my-cuu-nuoc-522145/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nhung-tam-guong-liet-si-tieu-bieu-cong-an-nghe-an-trong-thoi-ky-chong-my-cuu-nuoc-522145/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những tấm gương liệt sĩ tiêu biểu Công an Nghệ An trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 18/08/2014, 09:46 [GMT+7]

Những tấm gương liệt sĩ tiêu biểu Công an Nghệ An trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước

(Congannghean.vn)-Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo khảo sát và thống kê của cơ quan chức năng, số CBCS trong biên chế của Ty Công an Nghệ An hy sinh lúc bấy giờ là 19 đồng chí, bao gồm: 10 đồng chí hy sinh trong chiến tranh phá hoại ở tỉnh nhà, 9 đồng chí hy sinh tại chiến trường miền Nam. Ngoài ra còn có 55 liệt sĩ người Nghệ An công tác tại Bộ Công an và Ty Công an ở các địa phương khác đã hy sinh trên các chiến trường.
 
Trong số những người xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nổi lên một số tấm gương tiêu biểu sau:
 
- Liệt sĩ Hoàng Vũ Trọng, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Phương Tích - Nghi Lộc ngày 4/4/1966.
 
Vào thời gian trên, máy bay Mỹ gồm hàng trăm chiếc ném bom bắn phá ác liệt vào các khu vực ga Quán Hành, cầu Phương Tích, cầu Cấm, cầu Bùng… với hàng trăm tấn bom đủ các loại (bom phá, bom sát thương, bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm, roocket…) vào các mục tiêu cố định và các đoàn xe vận tải, bộ đội hành quân đang trên đường ra mặt trận. Bom đạn, khói lửa mịt mù, người chết, người bị thương, hàng hóa, xe cộ, đất đá bị bom Mỹ đốt cháy, cày xới ngổn ngang. Trong hoàn cảnh ác liệt đó, đồng chí Hoàng Vũ Trọng cùng với CBCS CSGT Công an huyện Nghi Lộc vẫn bình tĩnh, dũng cảm bám sát mục tiêu trọng điểm bảo vệ cầu Phương Tích (lúc này để tránh Quốc lộ 1 nên hầu hết các phương tiện vận tải, bộ đội, cán bộ hành quân vào chiến trường và người dân qua lại đều phải đi vào đường tránh, Tỉnh lộ 34 qua cầu Phương Tích), hướng dẫn từng đoàn người, đoàn xe vượi qua trọng điểm an toàn. Phối hợp với các lực lượng khác, đồng chí Trọng cùng đồng đội lăn xả vào cứu người, cứu hàng. Trong lúc làm nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Vũ Trọng bị thương nặng, đồng đội và mọi người đề nghị đưa về tuyến sau để cấp cứu song đồng chí vẫn kiên quyết không rời vị trí chiến đấu và tiếp tục làm nhiệm vụ.
 
Sau khi cứu được 2 người bị thương về nơi an toàn, do vết thương nặng, máu chảy nhiều trong lúc phải làm việc quá sức, đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại cho đồng đội và mọi người có mặt tại hiện trường sự cảm phục, niềm tiếc thương vô hạn. Ngay sau khi trận đánh kết thúc, khói lửa đạn bom còn nghi ngút cháy, chiến trường ngổn ngang trong đổ nát hoang tàn, trước linh cữu của liệt sĩ Hoàng Vũ Trọng, Huyện ủy Nghi Lộc đã ra quyết định kết nạp Đảng cho đồng chí và phát động trong toàn huyện phong trào học tập tấm gương hy sinh dũng cảm của đồng chí.
 
- Liệt sĩ Bùi Huy Giáp, hy sinh ngày 29/1/1968.
Liệt sĩ Bùi Huy Giáp
Liệt sĩ Bùi Huy Giáp
 
Đồng chí Bùi Huy Giáp thuộc số cán bộ của Ty Công an Nghệ An chi viện cho An ninh miền Nam trong những đợt đầu tiên. Khi chi viện chiến trường, đồng chí lấy bí danh là Vũ Thanh Lâm với cương vị là Ủy viên Ban An ninh Trung - Nam Bộ kiêm Trưởng phòng An ninh Khu VIII, hoạt động tại địa bàn Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Trong cuộc tổng tấn công Mậu Thân vào lúc 4 giờ ngày 29/1/1968, đồng chí chỉ huy 1 mũi tấn công của lực lượng An ninh vào TP Mỹ Tho. Cuộc tổng tấn công của ta gặp bất lợi do tương quan lực lượng vì quân địch quá đông và chủ động phòng ngự dày đặc, nên đến 13 giờ, cùng với 2 đồng chí cán bộ An ninh, đồng chí Bùi Huy Giáp phải trở về hầm bí mật ẩn náu chờ thời cơ. Khi băng qua cánh đồng thuộc ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong (gần TP Mỹ Tho) thì bị địch phát hiện. Chúng cho máy bay trực thăng đổ quân xuống xã Mỹ Phong và vùng lân cận càn quét, lùng sục, vây bắt ráo riết, rất nhiều người dân vô tội bị chúng tra khảo, đánh giết dã man.
 
Sau khi bị lộ, đồng chí Giáp và 2 cán bộ An ninh mỗi người chạy 1 ngả để đánh lạc hướng địch. 2 đồng chí cán bộ An ninh đi cùng đã bị địch bắt và giết hại dã man: 1 đồng chí bị giết và treo cổ trên cây, 1 đồng chí bị giết sau đó còn bị mổ bụng, moi gan ruột ra ngoài. Đồng chí Giáp chạy nhanh về hướng có hầm bí mật, kịp thời đốt hết tài liệu, giấy tờ để phi tang dấu vết, không để lọt vào tay địch rồi dùng các loại vũ khí sẵn có chiến đấu ngoan cường.
 
Chứng kiến cảnh nhân dân và người nhà đồng chí Ba Trâm (cơ sở nuôi giấu của đồng chí) bị địch giết hại dã man, lòng căm thù giặc sôi sục làm cho đồng chí càng quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sau hơn 30 phút một mình chiến đấu ngoan cường với bầy lính Mỹ đông gấp bội, súng hết đạn nên đồng chí đã bị địch bắt. Do biết đồng chí là cán bộ lãnh đạo của Ban An ninh khu VIII nên kẻ thù dở thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc nhưng đồng chí đã cự tuyệt, kiên quyết giữ vững khí tiết. Địch cay cú đã tra tấn đồng chí dã man, dùng báng súng đánh dập đầu và vứt xác đồng chí lên gò đất gần nơi hầm bí mật, phơi nắng không cho chôn cất để uy hiếp nhân dân và những người nuôi giấu cán bộ. Khoảng 20 giờ cùng ngày, cơ sở của ta mới bí mật đưa được thi thể đồng chí đi. Trong số cơ sở ấy có đồng chí Ba Trâm, sau này là Trưởng Công an TP Mỹ Tho.
 
Với chiến công và sự hy sinh oanh liệt ấy, liệt sĩ Bùi Huy Giáp (có tài liệu ghi là Bùi Văn Giáp) đã được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương Độc lập. Năm 2007 được sự giúp đỡ của Trung tướng Nguyễn Việt Thành,  nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục CSND, Bộ Công an là 1 trong những người biết được gương chiến đấu và hy sinh oanh liệt của đồng chí Bùi Huy Giáp, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang, các nhân chứng lịch sử, gia đình của đồng chí Bùi Huy Giáp đã đưa hài cốt đồng chí về an táng tại nghĩa trang TP Vinh sau 39 năm an nghỉ nơi mảnh đất mà đồng chí đã sống, chiến đấu và hy sinh đến hơi thở cuối cùng.
 
- Liệt sĩ Huỳnh Năm, hy sinh ngày 20/8/1968.
 
Lúc 18 giờ ngày 20/8/1968, máy bay Mỹ điên cuồng ồ ạt tập kích đánh phá ác liệt vào khu vực cầu Bến Thủy. Đồng chí Huỳnh Năm cùng đồng đội đã lao vào cuộc chiến đấu từ đầu cho đến cuối trận đánh, bám sát địa bàn trọng điểm, hướng dẫn hàng trăm chiếc xe vượt phà an toàn trong mưa bom, bão đạn. Đồng chí Huỳnh Năm đã dũng cảm, bất chấp hiểm nguy khi tự mình làm hoa tiêu dẫn đường cho từng chiếc xe vượt bom đạn luồn lách qua phà an toàn. Khi máy bay Mỹ ngừng bắn phá, trong lúc đồng đội và mọi người do quá mệt mỏi và kiệt sức đang nghỉ ngơi để lấy sức cho các cuộc chiến đấu tiếp theo thì đồng chí Huỳnh Năm vẫn miệt mài với nhiệm vụ, cần mẫn dò tìm và đánh dấu vị trí có bom nổ chậm, bom từ trường để cắm biển báo nguy hiểm cho người và xe qua lại an toàn. Khi gặp 1 quả bom từ trường chắn ở lối trọng điểm có nhiều người và xe qua lại, đồng chí tìm mọi cách tiếp cận để đánh dấu và báo cho bộ phận chuyên trách đến xử lý kịp thời thì bất ngờ bom nổ và đồng chí đã hy sinh tại chỗ.
 
Gương hy sinh quên mình của đồng chí Huỳnh Năm đã làm xúc động tất cả mọi người trực tiếp chứng kiến. Công an TP Vinh đã tổ chức trọng thể lễ mai táng và phát động toàn thể CBCS Công an TP Vinh biến đau thương thành hành động cách mạng để xứng đáng là đồng chí, đồng đội của liệt sĩ Huỳnh Năm.
 
- Liệt sĩ Đỗ Ngọc Huyền, hy sinh ngày 7/10/1970.
 
Đồng chí Đỗ Ngọc Huyền là cán bộ Cảnh sát khu vực Công an TP Vinh trước khi vào Nam chi viện chiến trường vào tháng 5/1968. Trong thời gian công tác tại Công an TP Vinh, đồng chí là 1 cảnh sát khu vực tận tụy, gần gũi nhân dân và hết lòng vì công việc. Một trong những chiến công xuất sắc của đồng chí là vào tháng 5/1962, đồng chí cùng với đồng chí Nguyễn Văn Tân đi kiểm tra công tác quản lý quán trọ tại quán Phùng Thịnh (Bến xe Vinh), do ý thức cảnh giác cao đã phát hiện được đầu mối về tên gián điệp ẩn nấp Nguyễn Châu Thanh nổi tiếng thời bấy giờ.
 
Vào chiến trường miền Nam, đồng chí giữ chức vụ Phó ban An ninh huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 7/10/1970, trong 1 lần về móc nối, xây dựng cơ sở ngay tại chính quê hương xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, do bị nội gián mật báo, địch đã cho quân bao vây, lục soát và phát hiện ra hầm bí mật. Địch dùng loa kêu gọi đầu hàng, hứa hẹn nhiều ân huệ nhằm mục đích bắt sống đồng chí để khai thác và khuếch trương thanh thế vì đã chiêu hàng được 1 cán bộ lãnh đạo An ninh huyện. Không mắc mưu địch, đồng chí đã anh dũng chiến đấu bằng các vũ khí sẵn có (súng AK, súng ngắn, lựu đạn…) đến hơi thở cuối cùng, quả lựu đạn cuối đồng chí chấp nhận hy sinh chứ kiên quyết không đầu hàng.
 
Gương chiến đấu dũng cảm của đồng chí đã làm cho đồng đội và nhân dân trong vùng ngưỡng mộ và khâm phục về khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Ngược lại, kẻ thù hết sức cay cú, điên cuồng và tức giận. 3 ngày sau khi trận đánh kết thúc, tên Tỉnh trưởng Thừa Thiên - Huế về thị sát tình hình để úy lạo và khen thưởng thuộc cấp về “thành tích” trên. Song khi nghe lại tình tiết về tấm gương quả cảm của đồng chí Đỗ Ngọc Huyền và nhất là khi biết được đồng chí là cán bộ Công an miền Bắc chi viện cho An ninh miền Nam về chiến đấu, hy sinh anh dũng tại quê hương, hắn đã có hành động trả thù hèn hạ và hết sức man rợ là ra lệnh quật mộ, đưa xác đồng chí phơi nắng 3 ngày đêm, cử lính canh giữ không cho chôn cất ngay giữa khu chợ trung tâm của xã Quảng Phước (nay là thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để thỏa cơn giận dữ và uy hiếp, đe dọa quần chúng.
 
Thời gian qua đi, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhiều nhân chứng, sự kiện về những năm tháng anh hùng và đau thương ấy đã dần đi vào quên lãng… Nhưng những tấm gương chiến đấu quên mình vì nghĩa lớn của các liệt sĩ nói chung và liệt sĩ Công an Nghệ An nói riêng đã được đề cập trên đây mãi mãi là giá trị vĩnh hằng được khắc ghi vào tấm bia lịch sử của dân tộc. Với các thế hệ của CBCS Công An Nghệ An hôm nay và mai sau, những con người hy sinh quả cảm ấy sẽ là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo.
 
BẠN TÔI
 
Năm tháng ấy, tôi đến trường đi học
Đêm thành đô, ánh điện ngập sao trời
Năm tháng ấy, anh băng đèo vượt dốc
Cơn sốt rừng, bát cháo loãng cầm hơi.
 
Năm tháng ấy đầy bom rền đạn nổ
Phía trời Nam nghi ngút lửa chiến trường
Anh để lại sau lưng ngàn lý do để nhớ
Rời quê hương Tổ quốc gọi lên đường.
 
Những tháng năm lăn lộn chiến trường
Bao dốc thẳm đèo cao anh đã vượt
Chiều rộng quê hương, chiều dài đất nước
Sao đường về quê, anh dừng lại giữa chừng?
Ngày hòa bình tôi trở lại quê hương
Đến tìm bạn nơi vườn xưa chốn cũ
Sao chẳng thấy anh đứng chờ trước cửa
Và ôm tôi như một thuở, lâu rồi
Di ảnh mờ nhang khói lạnh tường vôi
Trước hương án anh nhìn tôi mãi thế?
Trong im ắng để nghe thời gian kể:
Về một thời, 2 đứa nghịch nhất làng
 
Bạn của tôi ở mãi phía trời Nam
Chỉ gửi lại quê ta dòng họ, tên ngắn ngủi
Đài liệt sĩ trầm ngâm như để nói:
Thời gian ơi, đừng một lúc nguôi quên. 
 
Ngô Trí Sinh

 

.

Ngô Trí Sinh