Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201512/nguoi-cuu-chien-binh-tao-viec-lam-cho-nan-nhan-chat-doc-da-cam-650222/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201512/nguoi-cuu-chien-binh-tao-viec-lam-cho-nan-nhan-chat-doc-da-cam-650222/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người cựu chiến binh tạo việc làm cho nạn nhân chất độc da cam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 03/12/2015, 08:06 [GMT+7]

Người cựu chiến binh tạo việc làm cho nạn nhân chất độc da cam

(Congannghean.vn)-Từ những tấm vải phế liệu, vải tồn kho, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tùng ở xóm 11, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đã xây dựng một cơ sở sản xuất đồ dân dụng, mang lại thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có nhiều người nhiễm chất độc da cam.

Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nguyễn Thanh Tùng nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1980, ông xuất ngũ trở về địa phương. Sức khỏe ông giảm sút nhưng không có nỗi đau nào lớn hơn khi lần lượt 2 người con ra đời đều bị nhiễm chất độc da cam từ bố. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng khô cằn. Với ý chí của người lính cụ Hồ không ngại gian khổ, năm 2009, ông cùng con gái út Nguyễn Thị Hảo bị nhiễm chất độc da cam vào tỉnh Thừa Thiên - Huế học nghề làm thảm chùi chân.

Chứng kiến cảnh con gái của mình hăng say làm việc, trong đầu ông nảy sinh ý tưởng về quê hương xây dựng một cơ sở sản xuất thảm chùi chân nhỏ để phần nào giúp đỡ những người nhiễm chất độc da cam có công ăn việc làm.

Ông Tùng bên những sản phẩm do nạn nhân chất độc da cam làm ra
Ông Tùng bên những sản phẩm do nạn nhân chất độc da cam làm ra

Sau hơn 1 năm học tập kinh nghiệm làm thảm chùi chân, ông về quê và cùng 2 cô con gái bắt tay thực hiện dự định. Ban đầu, ông chỉ sản xuất một số lượng nhỏ rồi đem bán tại các chợ địa phương. Niềm vui được nhân đôi khi những chiếc thảm chùi chân được bà con rất ưa chuộng. Với mong muốn tạo việc làm cho nhiều người là nạn nhân chất độc da cam, ông đã mạnh dạn mở xưởng sản xuất thảm chùi chân tại nhà với sự hỗ trợ 40 triệu đồng của Hội Chất độc da cam/dioxin huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Tính đến thời điểm hiện tại, xưởng đã hoạt động được gần 5 năm, hàng năm đem về thu nhập cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 25 nhân công, trong đó có 10 người nhiễm chất độc da cam với thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Mặc dù đây là số tiền khá khiêm tốn nhưng đã giúp những người nhiễm chất độc da cam trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và quan trọng hơn là tìm được nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Với phương châm “lấy công làm lãi”, xưởng của ông sử dụng nguyên liệu chủ yếu là vải phế liệu, vải tồn kho được mua tại các nhà may ở các tỉnh Nghệ An, Đà Nẵng, Nam Định… Mỗi năm, xưởng của ông Nguyễn Thanh Tùng trung bình sản xuất được hơn 40.000 tấm thảm chùi chân. Những tấm thảm đơn giản với đầy đủ màu sắc, bền đẹp với giá chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/tấm được đông đảo người dân ưa dùng. Không chỉ tiêu thụ trên địa bàn Nghệ An, giờ đây, sản phẩm của xưởng đã được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Để đạt được những thành công như ngày hôm nay, ông Tùng không thể nào quên  những tháng ngày gian khó khi mới bắt tay vào công việc. Không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, nhiều lúc muốn buông xuôi, thế nhưng với ý chí quyết tâm, ông đã vượt qua mọi khó khăn. Ông Tùng nhớ lại: “Thời điểm đầu mới thành lập xưởng rất khó khăn về vốn liếng lẫn sức khỏe bản thân. Tôi phải đi khắp trong Nam ngoài Bắc để tìm được những tấm vải như ý để làm thảm. Nhớ nhất vẫn là một lần đối tác không thanh toán tiền theo hợp đồng”.

Chị Nguyễn Thị Nga trú tại xóm 1, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, là công nhân may chia sẻ: Thời gian nhàn rỗi, chị nhận vật liệu từ xưởng ông Tùng về nhà làm thêm, đến nay cũng đã được hơn 4 năm. Nhờ vậy, mỗi tháng chị có thêm 2,5 - 2,7 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Chị cũng cho biết, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khi xin vào làm tại xưởng đều được ông Tùng hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo và tạo điều kiện kiếm thêm thu nhập, đặc biệt là các trường hợp khuyết tật.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đệ, xóm trưởng xóm 1, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cho biết: Ông Tùng luôn tạo điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vào làm việc tại xưởng, giúp họ có cuộc sống no đủ hơn. Bên cạnh đó, ông Tùng cũng là người luôn đi đầu trong công tác từ thiện của địa phương.

.

Nguyễn Quỳnh

.