Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201609/tai-xa-nghi-phong-huyen-nghi-loc-tinh-nghe-an-co-so-san-xuat-banh-bun-xa-thai-gay-o-nhiem-moi-truong-699451/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201609/tai-xa-nghi-phong-huyen-nghi-loc-tinh-nghe-an-co-so-san-xuat-banh-bun-xa-thai-gay-o-nhiem-moi-truong-699451/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cơ sở sản xuất bánh bún xả thải, gây ô nhiễm môi trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 18/09/2016, 08:50 [GMT+7]
Tại xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

Cơ sở sản xuất bánh bún xả thải, gây ô nhiễm môi trường

(Congannghean.vn)-Là những cơ sở làm bánh bún với quy mô lớn, cung cấp nguồn hàng cho thị trường tại TX Cửa Lò và TP Vinh, song 3 cơ sở sản xuất bún trên địa bàn xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc lại không đảm bảo các điều kiện về môi trường, thậm chí còn xả thẳng chất thải ra cánh đồng khiến cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đồng ruộng hoang hóa vì cơ sở làm bún xả thải

Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân tại xóm 3 và xóm 7, xã Nghi Phong, hàng chục năm nay họ phải sống chung với sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xuất phát từ 3 cơ sở sản xuất bún của các hộ dân, xả thải trực tiếp ra môi trường.

Mương Tây biến thành màu đen kịt do cơ sở sản xuất bún xả thải
Mương Tây biến thành màu đen kịt do cơ sở sản xuất bún xả thải

Cụ thể, theo trình bày của ông Trương Xuân Hợi (57 tuổi) trú tại xóm 7, xã Nghi Phong, cơ sở sản xuất bún của ông Trương Huy Định, có nhà sát vách với gia đình ông, từ nhiều năm nay xả thải trực tiếp ra cánh đồng phía sau nhà đã làm đảo lộn cuộc sống của các thành viên trong gia đình cũng như nhiều gia đình khác trong xóm 7.

Để làm rõ vấn đề, ngày 3/9, phóng viên đã thị sát xung quanh cơ sở này. Cảm nhận đầu tiên khi bước đến khu vực này là mùi hôi thối nồng nặc lan tỏa cả một khu vực rộng lớn.

Men theo khu vực bờ rào nhà ông Định ra phía sau mương Tây, nằm trên cánh đồng Bồ Hồ, chúng tôi phát hiện một đường ống có đường kính khoảng 30 cm, với chiều dài khoảng 200 m, được nối từ khu vực sản xuất bún xả thẳng ra mương Tây. Thời điểm có mặt, từ miệng cống nước thải màu trắng đục thường xuyên chảy ra, nghi là nước thải do làm bún khiến cả một đoạn dài nước chuyển màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Cũng trên địa bàn xã Nghi Phong, tại khu vực xóm 3 Phong Lâm có thêm 2 cơ sở sản xuất bánh bún là hộ ông Nguyễn Văn Xuân và ông Nguyễn Văn Chiến.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng (59 tuổi), đại diện gần 20 hộ dân bị mất đất tại cánh đồng Ngang trên địa bàn cho biết: Hai hộ dân này mở cơ sở sản xuất bún trong khu dân cư, sản xuất liên tục trong ngày, trực tiếp xả thải ra môi trường, không những gây ô nhiễm khu dân cư mà khiến hơn 1 ha diện tích đất lúa 2 vụ của 14 hộ dân không thể sản xuất được, phải bỏ hoang.

Đường ống được nối trực tiếp từ cơ sở sản xuất bún ra đồng
Đường ống được nối trực tiếp từ cơ sở sản xuất bún ra đồng

Chính quyền xử lý nửa vời!

Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Nghi Phong cho biết: Sự việc ông Xuân và ông Chiến xả nước thải bún ra ngoài ruộng làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh là đúng thực tế. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, ông Xuân khi cho nước thải ra ngoài đã xử lý qua một bể lắng và bể Bioga, nước xả thải qua một con mương nhỏ chứ không lan sang các hộ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc mùi hôi của nước bún bánh lan tỏa khắp nơi là có thật. Qua đối thoại, các hộ dân bị ảnh hưởng cho biết, nước thải chỉ lan ra các hộ sản xuất lân cận khi mùa mưa đến.

Đối với cơ sở sản xuất bún của ông Trương Huy Định tại xóm 7, mặc dù cơ sở này chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 300 m, song theo ông Hải, chính quyền chỉ mới nghe phản ánh từ người dân vào dịp tiếp xúc cử tri vào giữa tháng 8 vừa qua.

“Sau khi nghe phản ánh, chúng tôi đã mời một đơn vị chuyên tư vấn, xử lý sự cố về môi trường về tại trụ sở UBND xã để tư vấn, đồng thời giới thiệu sản phẩm xử lý môi trường. Tại hội thảo này, ông Định đã đưa mẫu xả thải lên xử lý trực tiếp tại hiện trường và mang lại hiệu quả rất tốt”, ông Hải cho biết. Cũng theo ông Chủ tịch xã, hàng tháng chính quyền xã vẫn tiến hành kiểm tra, yêu cầu ký cam kết. đảm bảo môi trường tại các cơ sở sản xuất này.

Trong một diễn biến khác, ngay sau khi có phản ánh của nhân dân, ngày 13/9, UBND xã Nghi Phong đã thành lập đoàn công tác, do ông Nguyễn Đình Lý, Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng đoàn, tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất bánh bún và cơ sở chăn nuôi.

Hiện, UBND xã Nghi Phong cũng đã giao trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất bún phải xử lý nước thải, khử mùi trước khi xả ra môi trường, định kỳ một tháng phải thuê 2 lần xe hút nước thải để tránh ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Riêng 2 hộ sản xuất bún tại xóm Phong Lâm phải có giải pháp hỗ trợ và có biện pháp cải tạo lại đất cho các hộ dân để tiếp tục sản xuất, không để cánh đồng bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên đất.

.

Thiện Thành

.