Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201901/hiep-uoc-aachen-cam-ket-day-tham-vong-cua-phap-va-duc-voi-eu-836444/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//tin-tuc-su-kien/201901/hiep-uoc-aachen-cam-ket-day-tham-vong-cua-phap-va-duc-voi-eu-836444/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hiệp ước Aachen: Cam kết đầy tham vọng của Pháp và Đức với EU - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 25/01/2019, 08:51 [GMT+7]

Hiệp ước Aachen: Cam kết đầy tham vọng của Pháp và Đức với EU

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 22-1 (giờ địa phương) đã ký kết một hiệp ước nhằm tăng cường hợp tác và hội nhập giữa hai bên, tại TP Aachen, Đức.
 
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy trỗi dậy mạnh mẽ và Brexit làm “đảo lộn” châu Âu, thì hiệp ước này không chỉ mang tính song phương, mà còn là cam kết đầy tham vọng của hai đầu tàu Liên minh châu Âu (EU), nhằm nâng cao vị thế của khối.
 
Củng cốmột châu Âu tự chủ
 
Tờ DW ngày 23-1 cho biết, Hiệp ước Aachen được ký kết sẽ giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Đức và Pháp trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, hợp tác biên giới và đặc biệt là quốc phòng. Hiệp ước này cũng đồng thời được coi là sự hoàn thiện cho Hiệp ước Élysées được ký kết tại Paris vào năm 1963 giữa Thủ tướng Tây Đức Konrad Adenauer và Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, đánh dấu quá trình hòa giải giữa hai nước sau chiến tranh.
 
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu rõ: “Hiệp ước khẳng định tình hữu nghị giữa Pháp và Đức, các kế hoạch chung và tham vọng của chúng ta đối với châu Âu, điều sẽ thực sự bảo vệ và thực sự cho phép chúng ta nắm chắc quyền kiểm soát cuộc sống của mình, được tự do lựa chọn và xây dựng vận mệnh của chúng ta trong một thế giới đang mở rộng”. BBC trích dẫn nội dung bản hiệp ước cho hay, từ chính sách đối ngoại đến an ninh nội địa và bên ngoài, cả Berlin và Paris đều cam kết đưa ra lập trường chung và tìm cách củng cố năng lực của châu Âu để hành động tự chủ, giảm dần sự phụ thuộc vào Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
 
Cụ thể, về kinh tế, hai bên sẽ tiến hành hội nhập sâu rộng, thành lập một hội đồng gồm 10 chuyên gia kinh tế độc lập, nhằm đưa ra các khuyến nghị về các chương trình kinh tế của cả Berlin và Paris. Ngoài ra, hai nước sẽ thiết lập một ủy ban hợp tác xuyên biên giới, nhằm tăng cường hợp tác giữa các địa phương nằm quanh khu vực biên giới Pháp và Đức.
Hiệp ước Aachen được ký kết được coi là thực tế và có tính khả thi của Pháp và Đức trong việc nâng cao vị thế EU. Nguồn: AP Photo.
Hiệp ước Aachen được ký kết được coi là thực tế và có tính khả thi của Pháp và Đức trong việc nâng cao vị thế EU. Nguồn: AP Photo.
Về quốc phòng, Pháp và Đức cam kết sẽ thông qua một điều khoản hỗ trợ phòng thủ. Trong trường hợp bị đe dọa an ninh hoặc xảy ra tấn công khủng bố, hai nước sẽ huy động các phương tiện chung, theo mô hình của NATO hoặc theo mô hình các chiến dịch quân sự. Bà Merkel nhấn mạnh, mối quan hệ chặt chẽ hơn về quốc phòng giữa hai nước là tiền đề cho việc xây dựng văn hóa quân sự chung và góp phần tạo ra lực lượng quân đội chung châu Âu.
 
The Guardian dẫn quan điểm lạc quan của các chuyên gia chính trị và kinh tế quốc tế cho thấy, đây là một hiệp ước thực chất và khả thi. Ông Alistair Cole của Đại học Cardiff cho hay, tầm quan trọng của hiệp ước nằm ở tính biểu tượng của nó. Theo đó, trong bối cảnh lục địa già đang rơi vào tình trạng “mất trật tự” bởi việc Anh rời EU và chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ, thì EU sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc liên minh Pháp – Đức hợp tác phát triển.
 
Nhìn từ thực tế, khi bà Merkel bế tắc trong việc thành lập Chính phủ hồi năm ngoái, các chính sách, đề xuất của EU phần lớn đều bị “đóng băng”, trong khi các nhà đầu tư trong khối cũng “đứng ngồi không yên” về nguy cơ suy giảm kinh tế. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người tham dự buổi ký kết tin tưởng rằng, hiệp ước sẽ giúp châu Âu hồi sinh với sự đoàn kết và thống nhất. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh hiệp ước mới này, đồng thời cho biết: “Hiệp ước nhấn mạnh tầm quan trọng của các cơ chế đa phương như NATO, EU và Liên Hợp Quốc. Sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Pháp và Đức trong NATO sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương”.
 
Nhiều ý kiến phản đối
 
Trong khi Hiệp ước Aachen nhận được sự ủng hộ từ giới học giả và các nhà lãnh đạo vì châu Âu, thì những nhà chính trị theo chủ nghĩa dân túy lại kịch liệt phản đối hiệp ước này vì cho rằng đây chỉ là “cái bóng” của Hiệp ước Élysées trước đó. Ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng Italia kiêm Bộ trưởng Nội vụ nước này tuyên bố: “Đã đến lúc phản đối trục Pháp - Đức bằng cách ủng hộ một trục Italia - Ba Lan".
 
Tuyên bố được ông Salvini đưa ra trong chuyến thăm Ba Lan, nhằm thách thức sự thống trị của Pháp và Đức trong EU, trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5 tới. Trong nội bộ nước Pháp, đảng Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen thì cho rằng, thông qua thỏa thuận này Pháp sẽ nhường lại vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho Đức, hay việc tiếng Đức sẽ trở thành ngôn ngữ hành chính của hai vùng lãnh thổ Pháp là Alsace và Lorraine.
 
Tuy nhiên, Tổng thống Macron đã ngay lập tức lên án những phát ngôn của bà Le Pen. “Những người quên giá trị của sự hòa giải giữa Đức và Pháp là đồng phạm với các tội ác trong quá khứ, những người châm biếm hay tuyên truyền những lời giả dối đang gây tổn hại tới lịch sử và làm tổn thương người dân”, ông Macron nhấn mạnh. Dự kiến, Hiệp ước Aachen sẽ cần phải trình nghị viện hai nước thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.
.

Nguồn: Linh Đan/CAND

.