Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19650-loan-dao-tao-tai-trung-tam-ngoai-ngu-tin-hoc-397838/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19650-loan-dao-tao-tai-trung-tam-ngoai-ngu-tin-hoc-397838/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
“Loạn đào tạo” tại trung tâm ngoại ngữ - tin học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 19/04/2012, 08:17 [GMT+7]
19650

“Loạn đào tạo” tại trung tâm ngoại ngữ - tin học

Hiện nay, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, trên địa bàn TP Vinh, các trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ đã đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Thế nhưng, số lượng nhiều, chất lượng lại đang bị thả nổi, thậm chí nhiều địa chỉ đeo biển đào tạo, nhưng lại không có bất cứ hình thức đào tạo nào nhưng vẫn sẵn sàng cấp chứng chỉ khi học viên có nhu cầu. Đó là thực trạng khá phổ biến trong việc đào tạo tin học, ngoại ngữ hiện nay.
 
Mạo danh “quốc tế”
Theo quy định, chương trình đào tạo quốc tế phải có cùng lúc hai giấy phép, giấy phép của chính hãng nước ngoài và giấy phép của Sở Giáo dục và Đào tạo (trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm ngoại ngữ tin học trình độ A, B, C). Hiện nay, có thực tế là nhiều đơn vị đào tạo đã lách luật bằng cách có giấy phép nhưng không thực hiện các chương trình đào tạo hoặc với giấy phép được cấp là chương trình A, B, C, các trung tâm lại tự biến mình thành cơ sở đào tạo quốc tế, treo biển hiệu, lô gô quốc tế để thu hút người học.
 
Điển hình như tại Trung tâm đào tạo CNTT Newepoch có địa chỉ tại 37 Phạm Vinh Vỹ, TP Vinh chỉ có giấy phép của Sở Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ giảng viên hoàn toàn là người Việt, thế nhưng phớt lờ quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo (chỉ có những trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài và do người nước ngoài làm hiệu trưởng mới được dùng tên nước ngoài), tại đây vẫn rình rang treo biển hiệu, lô gô bằng tiếng Anh để thu hút học viên.
 
Newepoch đã tự khuếch trương “Thi và lấy chứng chỉ Quốc tế tại trung tâm được Prometric và PearsonVue (chứng chỉ CNTT quốc tế) uỷ quyền duy nhất tại Nghệ An” và “có chính sách hỗ trợ thi Quốc tế cho Học viên các khoá Mạng Quốc tế Microsoft, Cisco”. Trong khi đó, qua tìm hiểu, hiện nay tại TP Vinh, chỉ mới có Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Nghean-Aptech (247 Lê Duẩn, TP Vinh) là đơn vị được cấp phép có yếu tố đào tạo nước ngoài. Đây là trung tâm thứ 19 trong số 30 Trung tâm Aptech tại Việt Nam và cũng là trung tâm đầu tiên tại khu vực Bắc miền Trung được thành lập trên cơ sở hợp tác và liên kết giữa Tập đoàn Aptech (Ấn Độ) và Công ty CP đào tạo tư vấn đào tạo quốc tế Intec.
 
Một trung tâm đào tạo CNTT “nội” nhưng lại treo mác “ngoại”
 
Cũng vấn đề này, tại các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, để có yếu tố nước ngoài, nhiều cơ sở đã lách luật theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, quảng cáo rùm beng như trung tâm anh ngữ Việt Mỹ, Việt Úc, Anh ngữ Quốc tế Apeco, Maryland, Anh ngữ Quốc tế Asem Việt Nam… Tây ta lẫn lộn, loạn ngữ, gây nhầm lẫn và làm cho người tiếp nhận phải rối mù nhưng thực chất của chất lượng đào tạo thì chỉ là mua bán sản phẩm giả.
 
Không đào tạo, vẫn có chứng chỉ
Chuyện mua bán chứng chỉ dễ hơn cả mua rau, lâu nay đã được nói đến nhưng nghịch lý ở chỗ, các cơ quan chức năng vẫn không có bất cứ động thái nào để ngăn chặn.
 
Tại TP Vinh, tình trạng mua bán chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và bất cứ loại chứng chỉ nào, miễn là có cung ắt sẽ có cầu cũng diễn ra sôi nổi không kém cạnh bất cứ đâu. Theo khảo sát của chúng tôi, có đến 9/10 trung tâm tin học, ngoại ngữ sẵn sàng bán chứng chỉ theo cách đăng ký danh sách đào tạo, sau đó có hai cách để lựa chọn.
 
Nếu không tham gia bất cứ buổi học nào thì chi phí sẽ cao hơn, nếu có (hoặc cần) người học thay, giá cả cũng sẽ dễ thở hơn. Nói tóm lại, nếu có nhu cầu về một chứng chỉ A,B,C tin học, ngoại ngữ, tùy theo nhu cầu trình độ và tiến độ thời gian, có thể bỏ ra từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng là sẽ được cấp bằng, thậm chí là bằng đào tạo quốc tế!
 
Tiện hơn nữa là hiện nay, việc mua bán chứng chỉ được rao giá công khai ngay trên mạng internet, người nào có nhu cầu chỉ cần chuẩn bị sẵn 2 ảnh (3x4), điền đầy đủ thông tin kèm theo một chứng minh nhân dân (photo) rồi chuyển tiền vào tài khoản, gửi hồ sơ bằng hộp thư. Một nickname có tên phohongdai@gmail.com còn khuyến mãi thêm “các bạn yên tâm về chứng chỉ, có hồ sơ gốc lưu tại trung tâm, công chứng thoải mái, có giá trị vô thời hạn và sử dụng trên toàn quốc. Giảm giá cho các bạn làm với số lượng lớn và thường xuyên”.
 
Không chỉ mua chứng chỉ A, B, C dễ dàng, việc mua những chứng chỉ có “trình” cao hơn như Toeic, Foefl, chứng chỉ kế toán tổng hợp, giám sát thi công, nghiệp vụ sư phạm… và bất cứ loại giấy tờ nào nếu có nhu cầu cũng sẽ được đáp ứng. Theo đại diện lãnh đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, hiện nay việc quản lý các trung tâm này là rất khó, bởi ngoài Sở Giáo dục thì còn có Sở Khoa học công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng cấp phép theo ngành dọc.
 
Việc các trung tâm được cấp phép một đàng, treo biển một nẻo thì lại thuộc thẩm quyền xử phạt của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khi để cấp phép cho người nước ngoài giảng dạy thì lại là Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Chính bởi vậy, vì chạy theo lợi nhuận, các trung tâm cứ đua nhau mọc lên, Sở Giáo dục và Đào tạo phát hiện sai phạm đâu xử phạt đó nhưng chưa đủ sức răn đe.
 
Chính vì những lẽ đó, các trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ vẫn tiếp tục mọc lên nhan nhản và đào tạo những cái gì, đào tạo như thế nào thì chỉ có trung tâm và người học mới biết được. Trong khi đó, các đơn vị quản lý vẫn mặc nhiên cấp phép, dù biết chắc rằng, sẽ không quản lý nổi một khi các trung tâm này đi vào hoạt động.

Thiên Thảo - Trường Khuyên
.