Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19772-co-giao-dan-lai-dua-chu-ve-lang-397738/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201204/19772-co-giao-dan-lai-dua-chu-ve-lang-397738/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cô giáo Đan Lai đưa chữ về... làng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 25/04/2012, 08:18 [GMT+7]
19772

Cô giáo Đan Lai đưa chữ về... làng

Tháng Tư, về trên mảnh đất Môn Sơn ngập tràn nắng và gió, lịch sử và anh hùng. Ngược dòng sông Giăng, con thuyền đưa chúng tôi đi giữa đôi bờ đẹp và hoang dã như miền cổ tích. Trong hơn hai giờ đồng hồ vượt thác, con thuyền cập bến tại bản Co Phạt - một địa điểm sinh sống của tộc người Đan Lai. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ, làm quen cô giáo tiểu học La Thị Hằng - người con của đồng bào Đan Lai, đang ngày đêm “cõng” con chữ về với tộc người mình.
 
Vốn từ nhỏ học hành chăm chỉ và nhiều năm liền là học sinh tiên tiến của trường Tiểu học, Trung học cơ sở Môn Sơn, sau khi học xong THCS, Hằng được tuyển thẳng vào học tại trường THPT-DTNT tỉnh từ 1995 - 1998. Lần đầu trong đời phải vật lộn với những ngày tháng học tập xa nhà cùng với những thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần, thế nhưng nhờ có đức tính cần cù, chịu khó và những nỗ lực không biết mệt mỏi, đã giúp Hằng vượt qua 3 năm học THPT với thành quả là những tấm giấy khen tiên tiến cho cô học sinh vùng rẻo cao.
 
Học sinh Đan Lai tại Trường Tiểu học 3  Môn Sơn, nơi cô La Thị Hằng dạy học
 
Cô Hằng tâm sự: “Ngay từ hồi học cấp hai tôi đã nung nấu ý nghĩ là sau này lớn lên mình sẽ là một cô giáo tốt, đưa cái chữ về làng dạy cho các em, phục vụ bản làng. Biết cái chữ, người dân sẽ biết trồng lúa, trồng ngô tốt hơn...”.
 
Thực hiện ước mơ đưa con chữ về cho bản làng, sau khi học hết cấp 3, Hằng thi đậu vào trường Trung cấp sư phạm, ra trường cô xin về dạy tại Trường Tiểu học 3 Môn Sơn từ năm 2000 - 2004 theo ước nguyện của bản thân. Trong thời gian vừa dạy, vừa tích lũy kinh nghiệm cùng với lòng yêu nghề, yêu trẻ, từ năm 2005 - 2008 cô Hằng xin đi học đại học và tốt nghiệp Đại học Khoa Giáo dục Tiểu học do Trường Đại học sư phạm I Hà Nội mở tại thành phố Vinh.
 
Kể về thành tích trong quá trình giảng dạy cũng là một sự cố gắng không nhỏ của một cô giáo người Đan Lai: Đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện chu kỳ 2006-2008 và gần đây là chu kỳ 2011-2013. Ngoài ra, cô Hằng còn kiêm nhiệm thêm Tổ phó Tổ Chuyên môn khối 1, 2, 3.
 
Trong những ngày mới về nhận nhiệm vụ tại điểm trường Co Phạt, nhìn ánh mắt các em mừng rỡ đón thầy cô giáo mới, sự khao khát được học, được biết cái chữ và đặc biệt là các em đã vượt qua mọi khó khăn để đến trường đó chính là nguồn động viên để cô yêu nghề và gắn bó với nghề.
 
Đối với cô Hằng cũng như nhiều giáo viên vùng sâu, vùng xa khác, việc vận động các em đến lớp, đến trường đã khó, nhưng giữ các em ở lại để duy trì sĩ số lớp còn khó hơn gấp bội. Ngoài ra, các cô ở đây còn phải trích một phần lương để giúp các em về sách vở, quần áo, bút mực và những vật dụng khác.
 
Sau nhiều năm phấn đấu không mệt mỏi, gắn với bản làng, năm 2008, La Thị Hằng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Từ đó đến nay cô Hằng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất trong sáng của người đảng viên, giành trọn tình cảm, sự tận tâm, tận tụy đối với các em học sinh đang khát khao con chữ cho mình. Có cô học sinh đến lớp được học thêm cái chữ, thêm tự hào vì tộc người mình có thêm người làm nghề giáo.
 
Nơi sơn cùng thủy tận, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng vẫn đang còn đó những con người âm thầm lặng lẽ gieo từng con chữ đến tận từng bản làng. Những dòng chữ như dòng sông Giăng ngày đêm cuộn trào sức sống cho tộc người Đan Lai vươn lên hoà nhập với cộng đồng, cho vùng biên thuỳ ngày mai thêm tươi sáng hơn…

Phùng Mùi - Võ Thanh Bình
.