Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/26231-nhung-cau-chuyen-cam-dong-ve-tinh-dong-doi-392581/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/26231-nhung-cau-chuyen-cam-dong-ve-tinh-dong-doi-392581/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những câu chuyện cảm động về tình đồng đội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 19/02/2013, 14:00 [GMT+7]
26231

Những câu chuyện cảm động về tình đồng đội

Những ngày trong binh trại
 
Năm 1963, vừa tròn 20 tuổi, bỏ lại sau lưng những buổi sinh hoạt đoàn sôi nổi ở quê nhà, Phó Bí thư Chi đoàn xã Nghi Công - Nguyễn Duy Dĩnh lên đường nhập ngũ khi vẫn đang còn nguyên niềm vui mới được kết nạp vào Đảng. Từ Nghệ An, sau mấy ngày luồn lách vất vả ông và 10 thanh niên khác cùng quê được điều đến Tiểu đoàn 14 ở Đồng Hới để làm nhiệm vụ đặc biệt.
 
Lúc này, Quảng Bình đang là tâm điểm của cuộc chiến, là cán xoong, là tuyến đầu của hậu phương lớn nên Mỹ tập trung đánh phá ác liệt và dữ dội nhằm ý đồ huỷ diệt, biến nơi đây trở về thời kỳ đồ đá. Với nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ Sân bay Đồng Hới và Cảng sông Gianh, Tiểu đoàn 14 - vốn xuất thân từ Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Việt Nam được điều động nhiều chỉ huy giỏi, có kinh nghiệm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nguyễn Viết Xuân cũng là một trong số đó.
 
 
“Tôi vẫn còn nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp Chính trị viên của mình” - Đại tá Nguyễn Duy Dĩnh nhớ lại những kỷ niệm về anh hùng Nguyễn Viết Xuân - Ngay khi chúng tôi vừa xuống xe, một người dáng tầm thước, nói giọng Bắc nhẹ nhàng bảo chúng tôi vào phòng truyền thống.
 
Bỏ qua những thủ tục mang tính khuôn mẫu của quân đội, ông hỏi han từng người, trực tiếp bố trí cơm nước, chỗ ăn, ở cho anh em. Đích thân ông còn hướng dẫn mọi người ra khu vực tắm rửa (vốn cách nơi ở hơn 200m). Được cấp trên quan tâm, nỗi nhớ nhà của những cậu lính trẻ nguôi ngoai dần, nhất là khi Mỹ bắt đầu leo thang bắn phá miền Bắc và cuộc chiến đang ngày một ác liệt.
 
Toàn tiểu đội lúc bấy giờ ngày nào cũng đi dã ngoại, có những hôm đi bộ gần đến Quảng Trị, đoạn giáp ranh với Vĩ tuyến 17. Sau những cuộc đi cơ động dã chiến, buổi đêm anh em lại lao vào tập bắn tình huống. Biết anh em vất vả lại chưa quen với cuộc sống xa nhà, đêm nào Chính trị viên cũng đích thân xuống tận phòng hỏi thăm anh em và bao giờ cũng là người đi ngủ cuối cùng.
 
Quá trình huấn luyện, ông đi sâu sát, nắm bắt từng điểm yếu, điểm mạnh của từng người để phân công. Ai tốt, ai xấu mỗi buổi điểm danh đều kịp thời động viên khích lệ.
 
Thấy tôi là đảng viên trẻ, lại có vẻ “già giặn” hơn đồng chí Bí thư Chi bộ (Nguyễn Viết Xuân), ông giao trách nhiệm phải nắm tình hình anh em, cuối mỗi buổi họp Chi bộ ông lại gọi tôi để hỏi han từng người một. Để tạo không khí vui tươi cho đơn vị, ông kêu gọi mọi người chơi thể thao, riêng ông là một người chơi thể thao rất cừ.
 
Anh em trong toàn đơn vị còn rất nể phục thủ trưởng của mình ở đức tính giản dị, cần cù, chịu khó: “Đi thao trường thấy que củi ông còn cầm về cho nhà bếp”. Cái đức tính khiêm nhường, hết mình vì tập thể đó còn theo ông ra tận chiến trường, vào trong mỗi trận đánh...
 
 
Nhằm thẳng quân thù, bắn!
 
Gần một năm huấn luyện, anh em trong đơn vị - nhất là cánh lính trẻ ai cũng mong sớm có ngày được đối diện với giặc Mỹ, để được xem cảm giác đối đầu với máy bay của địch là như thế nào. Sau chiến tích bắn rơi một máy bay của Mỹ vào trưa 5/8/1964 (một trong tám máy bay mà Việt Nam bắn rơi trong “Ngày đánh thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân và Bộ đội Phòng không Việt Nam), tinh thần của toàn đơn vị hết sức phấn chấn. Được cấp trên tin tưởng, đầu tháng 11/1964 đơn vị nhận trách nhiệm mới sang Lào làm nhiệm vụ Quốc tế.
 
Nói là sang Lào nhưng thực chất đơn vị đóng quân ở Cha Lo (phía Tây Quảng Bình). Lúc này, chiến sỹ trẻ Nguyễn Duy Dĩnh đã được bầu làm Khẩu đội trưởng, Trung đội trưởng Đại đội 3 (thuộc Tiểu đoàn 14) và Nguyễn Viết Xuân làm Chính trị viên Tiểu đoàn. Ngày 18/11/1964, Mỹ phát hiện ra ở đây có hai tuyến đường chi viện quan trọng (đường 12 và đường 16) nên đã cho hàng trăm lượt máy bay trút bom dữ dội.
 
Đại tá Nguyễn Duy Dĩnh
 
Xác định trận đánh này khác hẳn với những lần đối đầu trước, bởi lần đầu tiên Mỹ đưa máy bay F.100 “siêu tiếng động” thuộc lực lượng phòng không không quân vào chiến đấu nên anh em bảo nhau phải quyết tử dù so với lực lượng tinh nhuệ, hiện đại của địch, pháo của mình “thấp kém” hơn nhiều.
 
Trực tiếp chỉ huy Đại đội 3, chiến sỹ Dĩnh bình tĩnh chỉ huy anh em trong pháo chỉ “bắn máy bay khi nó đã bay thật gần”. Loạt đầu tiên ta nổ súng không trúng, chưa kịp hoàn hồn thì ba chiếc khác ầm ầm quay lại. Quá bất ngờ nhưng cả trận địa vẫn nổ súng giòn giã, bắn rơi ngay tại trận địa một chiếc máy bay. Như một con thú bị thương, Mỹ hùng hổ điều thêm 10 chiếc máy bay khác bao vây trận địa của Nguyễn Viết Xuân. Thêm một lần nữa máy bay địch lại bị bắn rơi.
 
Lần thứ 3 giữa lúc trận đấu đang ở thế giằng co bất ngờ, một quả rốc két bắn vào nơi Dĩnh và 6 anh em khác đang chiến đấu. Tình thế căng thẳng, người bị lòi ruột, người bị thương ở chân, người bị điếc hết tai, Khẩu đội trưởng Nguyễn Duy Dĩnh bị vùi dưới đất nhưng trong tiếng hô vang của người Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”, anh em đứng lên gạt đất nổ súng bắn rơi thêm một máy bay khác. Bất chấp bom đạn vẫn còn rơi, không dấu được niềm vui, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự và hét lên “Dĩnh ơi, khẩu đội 3 dũng cảm lắm, kiên cường lắm”.
 
Không ai nghĩ rằng, đó là trận đánh cuối cùng của anh em trong toàn đơn vị với người chỉ huy của mình. Mới đó, khi trận đánh vừa kết thúc anh còn đi quanh các khẩu đội để động viên, khích lệ “kẻ địch không có gì đáng sợ, học tập Tiểu đội 3 gang thép đánh rơi máy bay địch” thì ở loạt đánh thứ 5, máy bay địch lại tiếp tục gầm rú trên bầu trời nhả bom đúng vào Trung tâm chỉ huy làm Nguyễn Viết Xuân bị thương nặng...
 
Giọng chùng xuống, đại tá Nguyễn Duy Dĩnh kể lại: Sau trận đánh kết thúc chúng tôi mới biết rằng, khi bị đứt chân thủ trưởng đã bảo đồng đội cắt nốt phần thịt ở chân, bỏ đi cho đỡ vướng và không quên dặn lại “Dấu đừng để anh em biết mình bị thương”. Dù đau đớn nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ ở trận địa chỉ huy đến khi trận đánh kết thúc. Đến lúc sắp hy sinh anh vẫn còn kịp bàn giao lại công việc, sổ biên bản chi bộ, hỏi thăm anh em, hỏi thăm Dĩnh và anh em Khẩu đội 3 bị thương như thế nào rồi...
 
Như chưa nói được hết tình cảm của mình, đại tá Nguyễn Duy Dĩnh nói thêm: “Thực chất khẩu hiệu “Nhằm thẳng quân thù, bắn!” không phải là khẩu hiệu đầy đủ. Đó chính là khẩu hiệu mà Nguyễn Viết Xuân đã phát động trong phong trào học tập theo gương anh Nguyễn Văn Trỗi. Có thể trong giờ phút cam go nhất của trận đánh, trong khi cái chết đã cận kề Nguyễn Viết Xuân chỉ có thể hô lên ngắn ngủi như thế!”.
 
Từ những ngày mới nhập ngũ đến khi tình cảm giữa thủ trưởng Nguyễn Viết Xuân và anh chiến sỹ Nguyễn Duy Dĩnh đã thân tình thì điều mà Nguyễn Viết Xuân vẫn thường hay nhắc nhiều nhất với ông mỗi khi đêm đã về khuya đấy là mẹ già, người bố bị mù lòa cùng vợ và hai đứa con nhỏ.
 
Nỗi trăn trở của Chính trị viên cũng là nỗi niềm mà Nguyễn Duy Dĩnh suy nghĩ nhiều nhất, đặc biệt là từ sau ngày Tiểu đoàn 14 được đổi thành Tiểu đoàn Nguyễn Viết Xuân và ông được đồng đội, cấp trên tín nhiệm cử thay vị trí của Nguyễn Viết Xuân ngày trước. Năm 1965, nhân cơ hội được đi tham dự “Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc” ở Hà Nội, ông đã lần đầu tiên đến thăm nhà liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân ở xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Thời gian làm đổi thay nhiều thứ, nhưng với đại tá Nguyễn Duy Dĩnh, những ký ức của người lính giải phóng năm nào vẫn vẹn nguyên, thủy chung son sắt với đồng chí, đồng đội. Hôm nay đây, gặp ông ở những ngày tháng oai hùng của lịch sử mới thấy được tấm lòng cao thượng của đại tá trên hành trình đi tìm đồng đội. Nghĩa tình ấy vẫn vẹn tròn như xưa, khi có bước chân của những người lính năm nào dẫn đường, chỉ lối.

Thống Trịnh
.