Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201303/26469-giat-minh-chuyen-cu-nhan-that-nghiep-392415/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201303/26469-giat-minh-chuyen-cu-nhan-that-nghiep-392415/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giật mình chuyện cử nhân thất nghiệp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 01/03/2013, 08:00 [GMT+7]
26469

Giật mình chuyện cử nhân thất nghiệp

Những con số báo động
Theo thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tính đến đầu năm 2013, trong số 19/20 huyện, thành, thị (trừ huyện Anh Sơn) có đến 11.569 người đã tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ và TCCN chưa tìm được việc làm. Trong đó có 1 thạc sĩ, 3.047 người tốt nghiệp ĐH, 4.042 người trình độ CĐ và 4.479 người TCCN. Đây là con số khiến nhiều người phải giật mình và lo ngại về tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng của tỉnh nhà.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An thì kết quả khảo sát đó chỉ mang tính tương đối vì trên thực tế, số học sinh, sinh viên đang thất nghiệp còn có thể cao hơn.
 
Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm đang ngày càng gia tăng

Đó là còn chưa kể đến một bộ phận sinh viên có công việc nhưng không làm đúng với chuyên ngành mình đã được đào tạo và số lượng này đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Một số sinh viên khác sau khi tốt nghiệp chọn giải pháp giải quyết tình trạng thất nghiệp bằng cách học lên cao học theo kiểu phong trào và xu thế chung của giới trẻ hiện nay.
 
Tình trạng sinh viên thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra ở nhiều nơi, trong đó dẫn đầu danh sách là TP Vinh với 1.469 người (506 trung cấp, 464 CĐ, 489 ĐH); tiếp theo là Thanh Chương 1.410 người (502 trung cấp, 507 CĐ, 401 ĐH); Tân Kỳ 1.216 người (515 trung cấp, 387 CĐ, 314 ĐH)… Riêng 5 huyện vùng cao là Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu cũng có tới 1.608 người chưa có việc làm, trong đó 805 người đã tốt nghiệp trung cấp, 435 CĐ, 367 tốt nghiệp ĐH và 1 người tốt nghiệp thạc sỹ.
 
Không có việc làm sau khi tốt nghiệp nên nhiều sinh viên đã tự tìm cho mình những hướng đi riêng. Dù có khi công việc không thích hợp nhưng vẫn phải chấp nhận bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng, đặc biệt là số tiền vay vốn tín dụng học sinh - sinh viên đối với một bộ phận con em có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì đây thực sự là một gánh nặng lớn, rất khó có thể chi trả đúng thời hạn quy định.
 
Đi tìm nguyên nhân
Nếu đưa vấn đề ra mổ xẻ để phân tích, tranh luận thì ắt hẳn sẽ có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn như đã nêu trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà thì việc sinh viên thất nghiệp tràn lan sau khi tốt nghiệp là hệ quả chính của việc mở quá nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN, trong khi đó chất lượng đào tạo của một số trường chưa thực sự được chú trọng.
 
Nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN ra đời chỉ mới thể hiện ở bề nổi nhằm thu hút học sinh, sinh viên vào học để đảm bảo số lượng chứ không phải đầu tư theo chiều sâu chuyên môn. Bên cạnh đó, tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận phụ huynh và học sinh nên không có sự định hướng cụ thể, đúng đắn cho tương lai khi lựa chọn nghề nghiệp. Điều này giải thích vì sao hàng năm Nghệ An nóng lên tình trạng thừa thầy, thiếu thợ nhưng vẫn có rất nhiều người thích làm thầy hơn làm thợ.
 
Chủ trương của ngành giáo dục là đào tạo theo nhu cầu của xã hội nhưng trên thực tế thì điều này còn quá xa vời đối với các tỉnh, thành trong cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Học và thi theo phong trào, đào tạo theo nhu cầu của người học là những gì đang diễn ra rất cụ thể và rõ nét trong ngành giáo dục hiện nay. Có những thời điểm các ngành kế toán, kinh tế, sư phạm trở nên nóng trong cuộc chạy đua đầu vào ở các trường ĐH, CĐ và TCCN.
 
Không quá bất ngờ khi số sinh viên theo học ngành kinh tế chiếm đến 1/3 các ngành nghề đào tạo. Khoảng thời gian cách đây 5 năm, trừ các ngành đặc thù thì hầu hết các ngành chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học đều có mã ngành kinh tế. Thu hút một lượng lớn sinh viên theo học chuyên ngành theo kiểu phong trào nên số sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề này thất nghiệp thuộc vào top đầu không phải là điều khó hiểu.
 
Đối với ngành sư phạm thì con số 3.600 giáo viên dôi dư thuộc 3 cấp Tiểu học, THCS và THPT (chưa tính đến số sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng năm) đang làm đau đầu các nhà làm công tác quản lý giáo dục ở Nghệ An. Hay điển hình như năm 2012, Chi cục thuế Nghệ An tuyển 53 biên chế thì có tới 2.500 hồ sơ nộp vào xét tuyển, trong đó đã có hơn 200 em tốt nghiệp ĐH loại giỏi thì thử hỏi tìm đâu ra cơ hội cho những sinh viên tốt nghiệp bằng khá hay trung bình. Và thực tế này đang còn diễn ra ở nhiều sở, ban ngành khi tổ chức thi tuyển công chức hàng năm.
 
Một điểm bất cập nữa dẫn đến tình trạng thất nghiệp tràn lan ở một số huyện miền núi nghèo, vùng cao đó là việc Nghị quyết 30a của Chính phủ ban hành cho các trường ĐH, CĐ xét tuyển đối với học sinh có hộ khẩu thường trú và học 3 năm liên tục tại các huyện nghèo. “Mặc dù có những quy định khá cụ thể trong quá trình xét tuyển học lực của học sinh nhưng với tỷ lệ đậu tốt nghiệp như hiện nay thì số học sinh được xét tuyển chiếm một lượng lớn.
 
Trong khi đó, sau khi tốt nghiệp, như các sinh viên ở Nghệ An chỉ có thể về công tác tại các huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn. Mà ba huyện này thì chắc chắn không thể nhận hết được tất cả số nhân lực đó nên cũng đồng nghĩa với việc số sinh viên thất nghiệp ở miền núi hàng năm cứ “đều đặn” gia tăng” - ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
 
Nhằm góp phần vào việc giải quyết tình trạng ứ đọng nguồn nhân lực, trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ chủ động chú trọng chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước khi đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ và TCCN.
 
Bên cạnh đó, bản thân mỗi học sinh và gia đình cần phải có cái nhìn đúng đắn trong quá trình định hướng cho con em mình để làm sao lựa chọn được một ngành nghề đào tạo vừa phù hợp với năng lực, đồng thời không gây lãng phí nguồn nhân lực sau khi các em tốt nghiệp ra trường. Có như thế thì ngành giáo dục nước nhà nói chung và Nghệ An nói riêng mới thực sự tìm được những nhân tài và tiến tới hội nhập với sự nghiệp giáo dục của thế giới.

Ngọc Anh - Phan Tuyết
.