Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/noi-hoi-tu-nhieu-gia-tri-van-hoa-tam-linh-468485/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/noi-hoi-tu-nhieu-gia-tri-van-hoa-tam-linh-468485/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, tâm linh - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 01/04/2014, 08:53 [GMT+7]

Nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, tâm linh

(Congannghean.vn)-Đền Gia Ban nằm trên một ngọn đồi tại xóm Nam Hòa, xã Thanh Hòa, cách trung tâm thị trấn Dùng chưa đầy 15 km. Đền được nhân dân trong vùng xây dựng từ thế kỷ XV, thờ tướng Phan Thắng, một vị tướng trẻ tài ba tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Từ lâu, đền Gia Ban đã trở thành nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa, tâm linh của người dân địa phương.

Tương truyền, Phan Thắng là tướng quân dưới quyền của tướng quân Phan Đà, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi, Nguyễn Trãi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV. Trong một cuộc chiến đấu không cân sức giữa nghĩa quân Lam Sơn và giặc Minh, tướng quân Phan Thắng đã chiến đấu quả cảm, bị thương nặng. Khi ngựa chạy qua một đỉnh núi, tướng Phan Thắng gặp một tiều phu, xin uống một ngụm nước, sau đó cố phi ngựa đến một đồi chè cách đó không xa thì qua đời.

Đền Gia Ban tọa lạc trên một không gian sinh thái  đa dạng sinh học
Đền Gia Ban tọa lạc trên một không gian sinh thái đa dạng sinh học

Nơi vị tướng trẻ xin tiều phu uống nước, máu chảy ra rất nhiều, nhân dân trong vùng liền đem chôn cất cẩn thận và lập đền thờ. Địa điểm ấy nay người dân gọi bằng tiếng địa phương là rú Cấm (núi Cấm). Năm 1924, tướng quân Phan Thắng được vua Khải Định ban sắc phong là Phó tướng Quận công. Nhân dân vẫn quen gọi ông với tên gọi đầy kính phục và biết ơn là Thánh tướng họ Phan, Đức Thành hoàng làng.

Theo dòng lịch sử, đền Gia Ban còn là một trong những địa điểm khởi phát phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Lịch sử ghi nhận, vào 2 giờ ngày 1/5/1930, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng La Mạc, nhân dân trong vùng đã treo cờ búa liềm, đánh trống ngũ liên kêu gọi phá đồn điền ký viễn, góp phần tạo nên sức mạnh, tiếng vang lớn trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đền được nhân dân trong và ngoài xã bảo quản, tôn tạo, thờ phụng, hàng ngày đến cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng thắng lợi, cầu tài, cầu lộc, học hành thi cử đỗ đạt. Hàng năm, nhân dân trong vùng đều tổ chức lễ Khai sơn (mồng 3 tháng Giêng), lễ Khai hạ (mồng 7 tháng Giêng) và lễ Sắp ấn (ngày 27 tháng Chạp). Năm 2004, qua năm tháng mưa bom, bão đạn, sương gió, đền đã hư hỏng nặng, cán bộ, nhân dân xã Thanh Hòa đã đóng góp công sức, tiền của khôi phục và tôn tạo lại ngôi đền. Đền được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc cũ gồm cổng đền, thượng điện, hạ điện, chạm trổ long, ly, quy, phượng.

Tuy vậy, so với kiến trúc cũ, đền vẫn còn kém xa về sự tinh xảo và quy mô, chưa thực sự xứng tầm với những giá trị về mặt văn hóa, lịch sử đã từng trải qua nơi đây. Đó cũng chính là nỗi băn khoăn, trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Từ đền Bạch Mã thờ tướng Phan Đà tại xã Võ Liệt, nếu ngược bờ tả ngạn Sông Lam, du khách sẽ chỉ mất khoảng chưa đến 1 giờ di chuyển bằng xe máy để đến được với đền Gia Ban. Đến đây, du khách sẽ thực sự cảm nhận được một không gian văn hóa, tâm linh linh thiêng, huyền bí của ngôi đền và hệ sinh thái đa dạng của núi Cấm.

.

Văn Dũng