Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201601/nsnd-pham-tien-dung-nguoi-nang-long-voi-cau-ho-dieu-vi-658817/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201601/nsnd-pham-tien-dung-nguoi-nang-long-voi-cau-ho-dieu-vi-658817/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người nặng lòng với câu hò, điệu ví - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 23/01/2016, 08:36 [GMT+7]
NSND Phạm Tiến Dũng

Người nặng lòng với câu hò, điệu ví

(Congannghean.vn)-Trong sự nghiệp của mình, có lẽ ít ai bình dị và chân chất như NSND Phạm Tiến Dũng. Là Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng anh lại được biết đến nhiều hơn ở vai trò là nghệ sĩ, nhạc sĩ. Giải thưởng vinh danh anh qua các thời kỳ cũng khởi nguồn từ những cống hiến của anh trên sân khấu. Việc anh được vinh danh là “Nghệ sĩ nhân dân” là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến thầm lặng, vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản xứ Nghệ của bản thân.

Nghệ sĩ “chân đất”

Chúng tôi gặp NSND Phạm Tiến Dũng lần đầu tiên không phải ở cương vị người quản lý văn hóa, mà thấy anh gần gũi, mộc mạc trong vai trò là một ca sĩ kiêm diễn viên, cùng đồng nghiệp đưa dân ca ví, giặm đến với công chúng. Ngay cả khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, anh vẫn không nhận bất cứ một danh hiệu nào cho riêng mình, mà cho rằng đó là công lao của cả tập thể, đặc biệt là anh em nghệ sĩ và những nghệ nhân dân gian thầm lặng, suốt nhiều năm qua đã âm thầm cống hiến, đưa dân ca đi sâu vào tiềm thức của đại đa số nhân dân.

Trở lại với câu chuyện Phạm Tiến Dũng được vinh danh “Nghệ sĩ nhân dân” dịp này, cùng với An Phúc và Hoàng Thành, Tiến Dũng là một trong ba “cây đa cây đề” của giới văn nghệ sĩ Nghệ An được ghi nhận.

NSND Phạm Tiến Dũng trong một lần đưa dân ca ví, dặm đến với công chúng ở nước ngoài
NSND Phạm Tiến Dũng trong một lần đưa dân ca ví, dặm đến với công chúng ở nước ngoài

NSND Phạm Tiến Dũng sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật,  ngay từ nhỏ anh đã gắn bó với những làn điệu quê nhà với giọng hát trời phú. Bởi vậy, mặc dù đã có công việc ổn định ở ngành địa chất nhưng năm 20 tuổi, anh vẫn quyết định rẽ ngang sang con đường nghệ thuật khi trúng tuyển vào Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh. Quá trình bén duyên với nghệ thuật, đặc biệt là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Tiến Dũng nhận thấy sở trường của mình không chỉ hát mà còn có thể sáng tác, dàn dựng các tiết mục, viết lời mới dựa trên các làn điệu dân ca nên anh đã đi học chương trình trung cấp thanh nhạc, sau đó học tiếp cử nhân ngành văn hóa.

NSND Phạm Tiến Dũng tham gia các hoạt động biểu diễn, giảng dạy và quản lý nghệ thuật chủ yếu tại quê nhà, với cương vị là diễn viên Đoàn Dân ca Nghệ An từ năm 1979; giáo viên thanh nhạc Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ Tĩnh; ca sĩ, Phó đoàn rồi Trưởng đoàn Đoàn Ca múa nhạc Nghệ Tĩnh, sau này đổi tên là Đoàn Ca múa kịch Nghệ An và hiện anh là Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh.

Nặng lòng với dân ca ví, giặm

Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, anh đã giành nhiều giải thưởng, trong đó có hai lần nhận Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vào các năm 1992 và 1995. Năm 1997, anh được phong tặng danh hiệu NSƯT.

Một số sáng tác của nhạc sĩ Phạm Tiến Dũng được sử dụng trong chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật và đạt giải trong các hội diễn chuyên nghiệp như: “Ép duyên” đạt giải Ba (1992); “Non nước hữu tình” đạt Huy chương Bạc (1995) và “Hương sắc sông Lam” đạt Huy chương Bạc (1999). Ngoài ra, anh còn có hàng trăm tác phẩm mang âm hưởng dân ca, viết lời dựa trên các làn điệu cổ được nhiều thế hệ biết đến, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật, điều khiến NSND Phạm Tiến Dũng trăn trở hơn cả đó là làm thế nào để dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có sức sống lâu bền trong mọi tầng lớp nhân dân. Để góp phần đưa dân ca ngày càng lan tỏa rộng rãi, anh là người đầu tiên khởi xướng và trực tiếp dạy hát dân ca trên sóng truyền hình Nghệ An và đưa dân ca vào giảng dạy trong trường học.

Khi được hỏi về ý tưởng này, anh chia sẻ rằng, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa dân ca ví, giặm vào chương trình giảng dạy là xác định rằng, văn hóa dân tộc phải được thấm nhuần từ trường học. Có như thế, dân ca ví, giặm và các loại hình nghệ thuật truyền thống khác mới có sức sống bền bỉ theo thời gian. Các nghệ sĩ nói chung và bản thân anh nói riêng luôn xác định, muốn giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhất là trong bối cảnh âm nhạc hiện đại đang lấn át âm nhạc truyền thống như hiện nay, trước hết phải biết dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện để người dân có dịp được hát, được thỏa niềm đam mê với nghệ thuật truyền thống.

Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể các địa phương phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, để không chỉ người dân Nghệ Tĩnh hát dân ca Nghệ Tĩnh mà người dân Việt Nam nói chung cũng có thể hát các làn điệu ví, giặm.

Chia sẻ về gia đình, NSND Phạm Tiến Dũng cho biết, cả gia đình anh đều tham gia hoạt động nghệ thuật. Vợ anh hiện đang công tác tại Đoàn Ca múa kịch Nghệ An, nhưng để có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, chị đã “hy sinh” tình yêu nghệ thuật, chấp nhận làm cái bóng lặng lẽ phía sau sự thành công của chồng con. Hai người con của anh là Tiến Mạnh và Hương Tràm đều đã trưởng thành và cũng đi theo con đường nghệ thuật. Tiến Mạnh đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia, từng lọt vào “top” 8 chương trình “Sao Mai điểm hẹn”, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Còn cô con gái Hương Tràm, Quán quân “Giọng hát Việt” 2013 chủ yếu sống ở TP Hồ Chí Minh.

.

Thiên Thảo - Phương Thủy

.