Thứ Ba, 21/05/2019, 08:16 [GMT+7]

Kỷ niệm khó quên về những ngày đầu của Báo Công an Nghệ An

(Congannghean.vn)-Những ngày này, cách đây 35 năm về trước, Báo Công an Nghệ An ra số đầu tiên. Nhớ lại vào thời điểm đó, nước ta đang rơi vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vô cùng khó khăn, đặc biệt các tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp...

Báo Công an Nghệ An ra đời trong hoàn cảnh đó và đã góp phần xuất sắc vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao. Tôi vinh dự được Tổng biên tập báo cấp giấy cộng tác viên, bởi vì có nhiều bài viết được đăng trên báo. Nhớ lại những buổi đầu của tờ báo non trẻ này, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên.

Đại hội Chi bộ Báo Công an Nghệ Tĩnh lần thứ 1
Đại hội Chi bộ Báo Công an Nghệ Tĩnh lần thứ 1

1. Đối với Tổng biên tập báo:

Tổng biên tập đầu tiên của Báo Công an Nghệ An là Giám đốc Công an tỉnh -  Thiếu tướng Lê Văn Khiêu. Ngày 19/5/1984, Báo Công an Nghệ An ra số đầu tiên. Sau một thời gian ngắn, do bác Khiêu công việc nhiều, Lãnh đạo Công an tỉnh quyết định bác Cao Đăng Nghĩa làm Tổng biên tập. Bác Nghĩa viết chữ đẹp, hiền lành, điềm đạm, rất gần gũi và rất quan tâm đội ngũ phóng viên, đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên. Bác thường tâm sự: Mặc dù là tờ báo ngành Công an, nhưng nhiệm vụ chính trị rất lớn. Trong lúc đội ngũ phóng viên rất ít, kinh phí lại eo hẹp, do đó, việc sử dụng đội ngũ cộng tác viên cho báo có ý nghĩa rất quan trọng.

Từ ý nghĩ đó, bác Nghĩa luôn tập hợp đông đảo và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cộng tác viên nhằm góp phần làm cho nội dung tờ báo phong phú, hấp dẫn và thiết thực hơn.

2. Đối với đội ngũ quản lý và phóng viên:

Số lượng biên chế, trong đó có phóng viên của báo hồi đó rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng mọi công việc từ A đến Z, nào là đi thực tế thu thập tư liệu xử lý, viết bài, tổng hợp bài, biên tập, in ấn, phát hành, báo biếu, trả nhuận bút, chuẩn bị số mới... đều kịp thời, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Đặc biệt, các phóng viên của báo như các anh: Việt Long, Bá Minh, Ngọc Tuần, Thành Trung... rất gần gũi với anh em cộng tác viên. Mỗi khi được gặp nhau là tay bắt mặt mừng, vui vẻ, háo hức trao đổi kinh nghiệm, tìm cách nâng chất lượng báo ngày càng tốt hơn.

3. Đối với đội ngũ cộng tác viên của báo:

Những năm đầu, tuy có khó khăn về kinh phí, nhưng số lượng cộng tác viên khá đông. Hầu hết ở khắp các địa bàn trong tỉnh; nam, nữ, già, trẻ đều có. Đặc biệt, có nhiều thầy giáo, cán bộ nghỉ hưu tham gia nhiệt tình, như thầy giáo Nguyễn Tài Đại, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; thầy giáo Cao Thế Lữ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo; thầy Phạm Đức Thớc tuy gần 100 tuổi, nhưng vẫn là tác giả của loạt bài viết dưới dạng dịch thuật gửi cho báo; bác Trương Công Anh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; bác Hà Văn Tải, nguyên Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; bác Vũ An... Tôi may mắn đi theo các bác học tập được nhiều điều hay và có nhiều bài viết, như: “Phải chăng đoạn đường có ma, có quỉ”; “Không nên để chồng đi buôn chuyến” (số 124/1992) hay “Cần cảnh giác với kiểu hợp đồng lao động này” (số 115/1992).v.v... Điều quý nhất là hàng tháng, hàng quý, Tổng biên tập báo Cao Đăng Nghĩa tổ chức gặp mặt vui vẻ, ấm cúng, họp trao đổi kinh nghiệm... nhằm nâng cao chất lượng tờ báo tốt hơn.

Đại hội Chi bộ Báo Công an Nghệ An nhiệm kỳ 2010 - 2015
Đại hội Chi bộ Báo Công an Nghệ An nhiệm kỳ 2010 - 2015

4. Về nhuận bút và báo biếu:

Đối với công việc này, Tổng biên tập luôn chỉ đạo phục vụ đầy đủ và kịp thời. Tiền nhuận bút tuy ít, nhưng có ý nghĩa động viên là chính. Tôi là một trong những người chăm viết được nhiều bài, thế nhưng tiền nhuận bút không được nhiều. Gần như quy định chung của báo đối với mọi người: Tin, ảnh nhiều lắm cũng được 10 - 15 nghìn đồng, thậm chí có tin chỉ được 5 nghìn đồng; còn bài thì cao hơn, nhưng không quá 50 nghìn đồng (kể cả bài phóng sự điều tra). Mỗi lần có tin, bài viết được đăng là có nhuận bút và báo biếu. Vì vậy, cộng tác viên nào cũng cảm nhận vinh dự, vui vẻ, tích cực tham gia.

5. Về cơ sở vật chất, kỹ thuật:

So với cơ sở vật chất kỹ thuật của báo hiện nay thì cơ sở vật chất của báo hồi đầu rất nghèo nàn. Được phân vài ba phòng làm việc ở tít tầng 4 và tất nhiên, Tổng biên tập được tiêu chuẩn 1 phòng. Tôi nhớ, cơ quan báo có tất cả 7 người, gồm: Bác Nghĩa (TBT), Việt Long (Thư ký tòa soạn), các phóng viên: Bá Minh, Ngọc Tuần, Thành Trung, họa sỹ Hồ Sắc và chị Liên (kế toán).

Về phương tiện kỹ thuật, có 1 máy camera, 1 máy ảnh. Vì thế, để có một số báo phát hành thì đòi hỏi mọi người trong cơ quan phải làm việc cật lực.

6. Thời gian trôi qua, mỗi ngày lại thêm những tiến bộ vượt bậc:

Suốt 35 năm qua, Báo Công an Nghệ An đã phát triển một cách toàn diện, ấn tượng về cơ sở vật chất kỹ thuật, số lượng, chất lượng phóng viên, cộng tác viên, số lượng và chất lượng, hình thức và nội dung của báo. Đặc biệt là các số báo chuyên đề, hình thức và nội dung ngày càng được nâng lên rõ rệt, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của đông đảo bạn đọc trong và ngoài tỉnh, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, được ngành, tỉnh và Trung ương tặng nhiều phần thưởng quý.

35 năm - một chặng đường hình thành và phát triển, tuy ngắn nhưng Báo Công an Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đầy tiềm năng hứa hẹn một tương lai phát triển tốt đẹp hơn.

.

Th.s Bùi Đình Sâm, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

.