Chủ Nhật, 19/05/2019, 10:17 [GMT+7]

'Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy'

(Congannghean.vn)-Một buổi sáng đầu năm 1984, đâu như vừa qua Tết, tôi được anh Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an tỉnh gọi điện thoại bảo sang phòng anh bàn công chuyện.

Tôi vừa bước vào cửa, anh đã chỉ ngay mấy tờ báo Tết để trên bàn:

- Cậu xem. Công an mấy tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Đồng Tháp, Cửu Long... người ta làm báo lưu hành nội bộ hay và đẹp lắm. Nghệ Tĩnh mình là tỉnh lớn bậc nhất nước, truyền thống Cách mạng lẫn bề dày văn hóa cũng bậc nhất nước. Lại là quê Bác Hồ, quê Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn mà lực lượng Công an không có nổi một tờ báo thì... dở quá?

Ngừng một tí, anh nói tiếp: “Hơn thế, vấn đề là lực lượng Công an Nghệ Tĩnh phải góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn phản động quốc tế. Trong cuộc chiến tranh nhiều mặt của kẻ địch thì chiến tranh phá hoại tư tưởng là nguy hiểm nhất. Nếu chúng ta có tờ báo tức là có thêm một lực lượng trên mặt trận tư tưởng; một mũi tấn công kẻ địch đấy. Vấn đề này mới là quan trọng”.

Đồng chí Thượng tá Cao Đăng Nghĩa
Đồng chí Thượng tá Cao Đăng Nghĩa

Sau khi nghe tôi báo cáo về chất lượng Bản tin nội bộ “Công an Nghệ Tĩnh” (lúc đó đóng thành tập san do anh em viết và tự in thủ công gọi là in rô-ni-ô), anh bảo: “Lạc hậu rồi. Ta phải nâng nó lên thành báo. Không lưu hành nội bộ mà phát hành ra ngoài xã hội hẳn hoi”.

Tôi báo cáo là trong ngành Công an chưa có tờ báo nào ra công khai kể cả Báo Công an Nhân dân. Nghe thế anh hỏi luôn: “Thế Nghệ Tĩnh làm đầu tiên không được à? Ta phải làm sao đến Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác lần thứ 94 là có số báo đầu tiên. Chỉ còn 4 tháng nữa thôi. Các cậu làm đi. Lãnh đạo sẽ hỗ trợ. Mắc đâu gỡ đó!”.

Về phòng, tôi họp anh em trong tổ làm bản tin, phổ biến chỉ thị của Giám đốc và bàn cách thực hiện. Một loạt công việc được triển khai: Mở lớp CTV; sang Sở Văn hóa  Thông tin xin giấy phép tạm thời, ra Hà Nội làm việc với Báo Công an Nhân dân, gặp các nhà báo quê Nghệ Tĩnh như các anh: Hữu Thanh (Bộ Công an), Phan Cung Việt (báo Tiền Phong), Lưu Hân (Bộ Văn hóa Thông tin) và nhiều anh chị em khác nhờ giúp đỡ.

Cùng thời gian này, Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh quyết định thành lập Ban biên tập tạm thời do đồng chí Giám đốc Lê Văn Khiêu trực tiếp điều hành và quyết định lấy tên tờ báo là An ninh Nghệ Tĩnh. Tôn chỉ là “Cơ quan tuyên truyền hướng dẫn phòng trào “Vì an ninh Tổ quốc” và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc của lực lượng Công an Nghệ Tĩnh”. Tôn chỉ như thế mới phát hành rộng rãi được.

Cả Phòng Công tác chính trị, nhất là anh em trong tổ tuyên truyền phải gồng mình lên lo việc. Các anh: Văn Phát, Thanh Tùng, Thế Doanh, Mai Phương, Ngọc Tuần... cứ xoay như chong chóng. Tinh thần lúc đó là tất cả cho việc ra tờ báo đúng thời gian theo chỉ đạo của Giám đốc.

Và, sự nỗ lực của mọi người đã được đền đáp. Đúng vào dịp 19 tháng 5 năm 1984, chiếc xe U oát chở gần 1 vạn tờ báo từ Nhà in Hà Nội Mới về Nhà khách Bộ Công an (số 23 đường Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội). Tôi nghe loáng thoáng mấy người ở ngoài sảnh nói với nhau “Công an tỉnh choa có báo đẹp nha!”.

Chỉ ít ngày sau, các đơn vị Công an từ tỉnh đến xã và các ban bảo vệ bán chuyên trách trên toàn tỉnh đều có Báo An ninh Nghệ Tĩnh đọc. Tờ báo cũng được một số quầy báo ở Hà Nội bày trên giá.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các ban, ngành và nhiều bạn đọc trong và ngoài ngành đã gửi thư đến Ban biên tập khen ngợi, động viên.

Sau ngày báo ra kỳ thứ 2, anh Khiêu lại gọi tôi lên gặp. Anh nói: "Bộ trưởng Phạm Hùng vừa gửi điện khen báo ta. Cậu đọc đi. Bức điện đại ý: Bộ trưởng đã đọc Báo An ninh Nghệ Tĩnh, 2 kỳ đầu tiên. Nội dung tốt, có tính định hướng cao, hấp dẫn; hình thức đẹp. Cuối bức điện, đồng chí Phạm Hùng mong tờ báo tiếp tục phát triển trên các mặt trong thời gian tới”.

Anh Khiêu vỗ vai tôi: “Lời khen cũng là chỉ thị của Bộ trưởng đối với Công an Nghệ Tĩnh. Cùng với việc xây dựng nội dung, thì vấn đề phát hành báo là quan trọng nhất. Phải để tờ báo đến được tận tay cán bộ, chiến sỹ, đến anh em Công an xã, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp. Nếu không, công của anh em mình thành công cốc đấy”. 

Thời gian tiếp theo, mỗi lần họp tổ chức duyệt bài, anh Khiêu luôn nhắc là phải có giấy phép của Bộ Văn hóa  Thông tin. Tờ báo phải chính danh chứ không thể tạm thời mãi được. Tôi và anh Dương Thanh Tùng (Thư ký tòa soạn) phải mất mấy chuyến ra Hà Nội “vận động hành lang” để xin giấy phép. Và, đúng vào ngày 19/8/1985, Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam, Báo An ninh Nghệ Tĩnh được đổi tên thành Báo Công an Nghệ Tĩnh. Một Ban biên tập chính thức được thành lập do đồng chí Lê Văn Khiêu, Giám đốc Công an tỉnh làm Tổng biên tập. Các Phó Tổng biên tập gồm các anh Đậu Khắc Tưởng, Phó Giám đốc; tôi - Cao Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Công tác chính trị; anh Trần Phồn, Chánh Văn phòng Tổng hợp (sau này là Giám đốc Công an tỉnh). Anh Dương Thanh Tùng giữ vị trí Thư ký tòa soạn.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì Báo Công an Nghệ Tĩnh là tờ báo của ngành Công an được cấp giấy phép phát hành công khai đầu tiên. Phải nói rằng, nếu không có chỉ đạo của Giám đốc Lê Văn Khiêu, sự nỗ lực của anh em mà nhất là anh Dương Thanh Tùng, cán bộ Phòng Công tác chính trị, Thư ký tòa soạn đầu tiên thì tờ báo của chúng ta khó có được điều đó.

Tuy nhiên, anh Khiêu lo nhất là khâu phát hành. Lúc này việc phát hành Phòng Công tác chính trị đều nhờ Công an các huyện làm. Mấy kỳ báo đầu các đơn vị còn hăng, nhưng sau “đuối” dần. Có nhiều đơn vị nhận báo rồi ém trong tủ. Biết thế, có lần đi công tác mấy huyện vùng cao, Giám đốc bảo tôi đem theo báo để phát hành. Có văn bản chỉ đạo của Công an tỉnh, lại thấy Giám đốc trực tiếp phát hành báo, các đơn vị đều đặt mua. Anh bảo: “Đấy! Phải như thế, báo ta mới “tự túc” được”.

Tưởng nói chơi. Ai dè Giám đốc “quyết” thật.

Một ngày đầu tháng 2/1989, tôi được anh Trần Đình Bảng, Phó Giám đốc gọi lên. Biết có việc liên quan đến báo, tôi gọi thêm Việt Long đang là Tổ trưởng tổ báo (Thư ký tòa soạn) đi cùng. Đợi cả hai chúng tôi ngồi vào bàn, anh Bảng nói: “Từ ngày 1/4/1989, Giám đốc quyết định: Tổ báo tách khỏi Phòng Công tác Chính trị, thành lập tòa soạn trực thuộc Giám đốc mang ký hiệu PX21. Từ nay, từ tiền giấy, công in đến nhuận bút Tòa soạn phải tự lo. Về nội dung, Tòa soạn mới phải đảm nhiệm từ khâu tổ chức đề cương cho đến biên tập, in ấn. Nhất là khâu nội dung, Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm trước Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh”.

Cũng theo quyết định, tôi rời cương vị Trưởng phòng Công tác chính trị để nhận nhiệm vụ Tổng biên tập.

Từ một tổ chuyên môn được trở thành cấp phòng, ai cũng vui. Nhưng chỉ thị phải tự trang trải kinh phí thì quả là nỗi lo không hề nhẹ. Nếu không muốn nói, nó như hòn đá tảng nằm giữa đường đi!

Tôi và 8 anh em trong Tòa soạn lại chụm đầu bàn bạc tính toán. Mấu chốt vẫn là khâu “phát hành” như Giám đốc nói, tiếp theo là phải cân đối đầu vào, đầu ra để có tiền trang trải.

Một loạt vấn đề được Tòa soạn thực hiện ngay sau đó. Nhân sự được sắp xếp lại. Cả Tòa soạn có 9 người, trong đó Tổng biên tập phụ trách chung; một người lo khâu trình bày, một văn thư kiêm thủ quỹ lo luôn cả trả nhuận bút. Khâu phát hành trong tỉnh chuyển toàn bộ cho bưu điện; còn Hà Nội giao tư nhân. Thư ký tòa soạn theo dõi phát hành và kiêm luôn... kế toán.

Sau khi nghe tôi báo cáo kế hoạch trên, anh Khiêu cười: “Được! Cứ rứa mà mần. Nhưng nhắc lại, nếu nội dung tờ báo mà sai về quan điểm đường lối, chỉ thị, nghị quyết của ngành cũng như làm lộ bí mật nghiệp vụ thì Tổng biên tập phải đưa đầu chịu đấy... ”.

Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ, Thiếu tướng Lê Văn Khiêu vốn là một trinh sát an ninh, không hiểu sao ông lại am hiểu công tác truyền thông báo chí đến thế. Chính vì vậy mà trước đó đến gần chục năm, sau khi nhận 4 cán bộ có trình độ trung cấp và đại học báo chí; tiếp theo Công an tỉnh gửi tiếp 3 cán bộ khác đi học đại học báo chí, đến việc giao cho Tòa soạn Báo Công an Nghệ Tĩnh phải đưa tờ báo tham gia thị trường báo chí và tự trang trải kinh phí hoạt động trong những năm đầu tiên của thời kỳ đổi mới quả là táo bạo. Điều này không chỉ là giải quyết vấn đề kinh phí cho Công an tỉnh mà còn làm cho tờ báo gắn liền với bạn đọc hơn, người làm báo năng động hơn. Nói thế để thấy tầm nhìn dài hạn về công tác truyền thông nói chung, báo chí nói riêng của Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, một vị thủ trưởng, một người đồng hành với tờ báo chúng ta cho đến tận cuối đời.

Xin được coi bài viết này như nén tâm hương tưởng nhớ đến Thiếu tướng Lê Văn Khiêu, vị Tổng biên tập đầu tiên của Báo Công an Nghệ An và tưởng nhớ đến anh Dương Thanh Tùng - người Thư ký tòa soạn đầu tiên, người có công rất lớn trong "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”!

.

Thượng tá Cao Đăng Nghĩa, nguyên Tổng biên tập Báo Công an Nghệ An

.