Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201701/triet-xoa-duong-day-buon-ho-dong-lanh-tu-lao-ve-viet-nam-719021/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//an-ninh-trat-tu/201701/triet-xoa-duong-day-buon-ho-dong-lanh-tu-lao-ve-viet-nam-719021/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Triệt xóa đường dây buôn hổ đông lạnh từ Lào về Việt Nam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 16/01/2017, 08:42 [GMT+7]

Triệt xóa đường dây buôn hổ đông lạnh từ Lào về Việt Nam

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, việc buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm tiếp tục diễn biến phức tạp. Mặc dù chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã tích cực tuyên truyền, giáo dục cũng như triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ, song vì lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng vẫn trực tiếp tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã quý hiếm.

Mới đây, qua công tác theo dõi, nắm tình hình, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an Nghệ An đã khám phá thành công Chuyên án 117H, triệt xóa đường dây buôn bán, vận chuyển, tàng trữ cá thể hổ đông lạnh từ Lào về Việt Nam.

 Gần 300 kg cá thể hổ đông lạnh bị lực lượng chức năng tịch thu
Gần 300 kg cá thể hổ đông lạnh bị lực lượng chức năng tịch thu

Báo động tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm

Những năm qua, Nghệ An là một trong những điểm trung chuyển động vật hoang dã trái phép, đặc biệt là động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm từ các tỉnh phía Nam ra Bắc và từ Lào về Việt Nam. Bởi tỉnh ta tập trung đông dân cư sinh sống và buôn bán tại Lào, nên các đối tượng thường thu mua động vật hoang dã từ Lào rồi vận chuyển về Việt Nam thông qua các con đường tiểu ngạch, sau đó đưa vào nội địa tiêu thụ hoặc vận chuyển tiếp sang các thị trường khác nhằm thu lợi bất chính.

Cách thức vận chuyển của các đối tượng buôn bán động vật hoang dã cũng hết sức tinh vi. Để cản trở việc kiểm tra của cơ quan chức năng, chúng thường vận chuyển “hàng” qua đường bộ, bằng phương tiện ôtô đã được chế tạo thêm các hầm bí mật, giấu sau thùng xăng, trên nóc xe và được ngụy trang bởi lớp phế liệu, hàng hóa khác ở phía trên.

Thực hiện chủ trương của các tổ chức quốc tế cũng như chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về tăng cường công tác bảo vệ, quản lý động vật hoang dã, thời gian qua, Phòng Cảnh sát Môi trường với vai trò chủ công đã triển khai lực lượng đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Qua đó, bắt giữ nhiều vụ, thu giữ nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm.

Điển hình, vào tháng 8/2016, qua công tác nghiệp vụ, đơn vị khám phá thành công Chuyên án 106H, triệt xóa đường dây vận chuyển hổ trái phép từ Lào về Việt Nam tiêu thụ do Lê Văn Đức (SN 1990) trú tại xóm 3, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu cầm đầu. Thu giữ 1 cá thể hổ đông lạnh nặng 37 kg và một phần cá thể hổ nặng 27 kg tại nhà bà Nguyễn Thị Quế (SN 1968) trú tại xóm 3, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu. Theo bà Quế khai nhận, số hổ trên do hàng xóm Lê Văn Đức gửi.

Mới đây nhất, vào cuối năm 2016, qua công tác điều tra, theo dõi, nắm tình hình, Phòng Cảnh sát Môi trường tiếp tục phát hiện một đường dây chuyên mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (hổ) nguy cấp quý hiếm từ Lào về Việt Nam tiêu thụ. Đối tượng cầm đầu trong đường dây này chính là Nguyễn Hữu Huệ (SN 1969) trú tại xóm 3, xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu. Hổ thường được ướp đông lạnh, được Huệ trực tiếp mua ở nước ngoài, sau đó vận chuyển bằng đường bộ về Việt Nam tập kết.

Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Nguyễn Hữu Huệ thường lựa chọn những nhà hàng xóm có hoàn cảnh khó khăn để cất giấu tang vật hoặc đưa vào cất giấu tại trang trại chăn nuôi trâu bò của Huệ ở xóm 16, xã Diễn Đoài. Sau đó, Huệ cho hổ vào tủ cấp đông, khóa cẩn thận và đích thân đối tượng giữ chìa khóa. Cách thức, thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng của đối tượng cũng hết sức tinh vi. Nguyễn Hữu Huệ chỉ thực hiện việc mua bán hổ với những người đã quen biết, thời gian và địa điểm giao nhận “hàng” do Huệ đưa ra, yêu cầu người mua phải thực hiện theo.

Xác định việc săn bắn, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ, vận chuyển, buôn bán hay quảng cáo hổ và các sản phẩm từ hổ là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát Môi trường đã giao cho Đội 2 xác lập Chuyên án mang bí số 117H, tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm triệt xóa đường dây buôn bán, vận chuyển cá thể hổ đông lạnh từ Lào về Việt Nam, do Nguyễn Hữu Huệ cầm đầu. Ban chuyên án do Đại tá Nguyễn Hữu Hồng, Trưởng phòng làm Trưởng ban; Thiếu tá Trần Minh Sơn, Phó Trưởng phòng làm Phó ban cùng sự tham gia của các CBCS Đội 2, Phòng Cảnh sát Môi trường.

Phòng Cảnh sát Môi trường lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Kiên
Phòng Cảnh sát Môi trường lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Văn Kiên

Tịch thu 2 cá thể hổ đông lạnh cất giấu trong trang trại bò

Đang trong quá trình xác minh, rà soát, nắm bắt quy luật hoạt động của đối tượng thì khoảng 14 giờ ngày 13/1/2017, Phòng Cảnh sát Môi trường nhận được tin báo của quần chúng nhân dân cung cấp với nội dung, tại Trang trại chăn nuôi trâu bò của Nguyễn Hữu Huệ đang cất giữ một số động vật hoang dã quý hiếm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Xác định thời cơ phá án đã đến, lãnh đạo Phòng nhanh chóng cử 1 tổ công tác gồm 4 đồng chí, do Trung tá Trần Văn Hùng, Đội trưởng Đội 2 làm Tổ trưởng tiến hành xác minh, thu thập thông tin. Đến 18 giờ cùng ngày, tổ công tác phối hợp với Công an huyện Diễn Châu và chính quyền địa phương xã Diễn Đoài có mặt tại trang trại chăn nuôi trâu bò của Nguyễn Hữu Huệ.

Khi tổ công tác đến hiện trường thì Nguyễn Hữu Huệ không có ở nhà, mà chỉ có 6 người khác gồm: Nguyễn Văn Kiên (SN 1980) và Hồ Thị Nga (SN 1989) - vợ Kiên, cùng trú tại xóm 6, xã Diễn Yên; Hồ Văn Xuân (SN 1981) trú tại xóm 2, xã Tân  Thành, huyện Yên Thành; Nguyễn Văn Đồng (SN 1999) trú tại xóm Đập Đanh, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn; Nguyễn Thị Thanh Bình (SN 2007) và Nguyễn Thanh Thản (SN 2009) là con của Kiên và Nga. Vừa thấy lực lượng Công an xuất hiện, Hồ Thị Nga tỏ thái độ lúng túng, đi xuống nhà bếp, sử dụng chìa khóa để khóa cánh cửa bếp. Tổ công tác lập tức yêu cầu Hồ Thị Nga không được khóa cửa; đồng thời tuyên truyền, giải thích, vận động gia đình giao nộp số động vật hoang dã đang được cất giấu tại nhà ở.

Sau một quá trình vận động, biết không thể trốn tránh, cuối cùng Nguyễn Văn Kiên cũng đã dẫn tổ công tác vào trong nhà bếp, tại đây có 1 tủ đông lạnh nhãn hiệu Sanaky màu trắng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong tủ đông lạnh có chứa 1 cá thể động vật đã chết (nghi là cá thể hổ) có trọng lượng 146 kg, 1 phần cá thể động vật có phần đầu (nghi là cá thể hổ) có trọng lượng 60 kg, 1 phần cá thể động vật có phần đuôi (nghi là cá thể hổ) có trọng lượng 42 kg, 1 cá thể động vật có 2 sừng (nghi là sơn dương), phần đầu và chân đã bị cắt rời có trọng lượng 43 kg và 1 sản phẩm động vật (nghi là thịt hổ) có trọng lượng 14 kg.

Nguyễn Văn Kiên đã tự nguyên giao nộp toàn bộ tang vật cho lực lượng chức năng. Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát Môi trường đã yêu cầu những người liên quan về trụ sở Công an huyện Diễn Châu tiến hành lập biên bản để xác minh làm rõ.

Tại đây, Nguyễn Văn Kiên khai nhận, ông Huệ xây dựng trang trại chăn nuôi trâu bò tại xã Diễn Đoài, huyện Diễn Châu khoảng 10 năm nay. Do Kiên là em vợ của Huệ nên được Huệ tin tưởng đưa về làm công nhân trông coi trâu bò tại trang trại từ năm 2012. Kể từ đó đến nay, Kiên cùng vợ và 2 con đều ăn ở và làm việc tại trang trại của Huệ. Hai vợ chồng được Huệ trả công 5 triệu đồng/tháng. Ngoài vợ chồng Kiên thì không có ai làm thêm tại đó.

Cách đây khoảng 2 tháng, vào đêm khuya, Kiên thấy có 2 người đàn ông đi xe bán tải biển số Lào đến trang trại, rồi kéo xuống xe 1 con hổ đông lạnh cùng 2 phần (đầu và đuôi) của 1 con hổ. Kiên đã cùng giúp họ đưa số hổ đông lạnh trên cất trong tủ lạnh. Cho đến tầm nửa tháng trước thì có 1 người đàn ông không rõ tên tuổi đi xe máy đến trang trại cất 1 cá thể sơn dương.

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Tiến, Đội phó Đội 2, Phòng Cảnh sát Môi trường cho biết: “Hiện nay, bên cạnh lợi nhuận “khủng” từ việc buôn bán động vật hoang dã quý hiếm đem lại thì một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm ngày càng diễn biến phức tạp đó là do chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt, nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế. Họ chỉ dựa vào lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán động vật hoang dã đem lại mà không hiểu bảo vệ động vât chính là đảm bảo cân bằng môi trường sinh thái cho chính con người và quần thể các loài động vật. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về săn bắt, buôn bán, vận chuyển, nuôi, giết, mổ, kinh doanh, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã quý hiếm”.

Hiện, Phòng Cảnh sát Môi trường đang tiếp tục đấu tranh mở rộng Chuyên án.

.

Hằng Nga

.