Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201212/25108-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-dan-so-trong-tinh-hinh-moi-393450/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201212/25108-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-dan-so-trong-tinh-hinh-moi-393450/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nâng cao hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 26/12/2012, 08:25 [GMT+7]
25108

Nâng cao hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới

Công tác dân số luôn có sự tác động, ảnh hưởng tới công cuộc phát triển kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân. Xác định được tầm quan trọng của công tác dân số, các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương đã có nhiều văn bản, chỉ thị cùng với hệ thống giải pháp tương ứng nhằm thực hiện công tác dân số.
 
Mặc dù vậy, trong một vài năm gần đây, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, công tác dân số đã gặp phải một số khó khăn. Kéo theo hệ quả là dân số có xu hướng tăng nhanh trở lại.
 
Điều này đã có tác động không nhỏ tới việc thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội, kéo theo những phức tạp trong công tác quy hoạch đất đai, nhà ở. Công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng giáo dục cũng vì thế mà bị ảnh hưởng.
 
Trong giai đoạn từ năm 1993 - 2000, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã thu được một số thành tựu, thể hiện ở tỷ suất sinh giảm nhanh từ 30,04% năm 1993 xuống còn 19,17% năm 2000, bình quân mỗi năm giảm 1,35%.
 
Mặc dù vậy, từ năm 2000 - 2004, kết quả việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có chiều hướng chững lại và giảm sút. Nhất là từ sau năm 2004, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng mạnh trở lại.
 
Xây dựng một xã hội tốt đẹp từ sự bền vững của mỗi gia đình -  Ảnh minh họa
 
Điều đáng nói là ở nhiều địa phương, tình trạng cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng tới nhận thức, tâm lý của người dân trong việc tự giác thực hiện công tác dân số.
 
Bên cạnh tình trạng gia tăng tỷ lệ sinh con thứ 3 thì sự chênh lệch giới tính nam/nữ ở nước ta cũng đang ở mức báo động. Trong 10 năm qua, mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra với tốc độ nhanh, ngày càng lan rộng và đã đến mức báo động nghiêm trọng.
 
Trong 3 năm trở lại đây, kết quả tổng điều tra dân số và điều tra biến động DS-KHHGĐ ngày 1/4 hàng năm do Tổng cục Thống kê tiến hành cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh tăng từ 110,5 (năm 2009) lên 112,2 (năm 2010) và 111,9 (năm 2011) và chỉ sau 5 tháng của năm 2012, tỷ số này đã tăng lên 113,2.
 
Điều đáng nói là có tới 42 tỉnh, thành phố tỷ số giới tính khi sinh đã trên 110 trở lên, trong đó có 21 tỉnh, thành phố tỷ số này trên 115; 9 tỉnh, thành phố tỷ số giới tính khi sinh trên 120 trở lên. Mất cân bằng giới tính dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân, gia đình, các dòng tộc mà còn trở thành tai họa đối với dân tộc và sự phát triển bền vững của đất nước.
 
Tâm lý thích con trai, các phương tiện chẩn đoán giới tính thai nhi và các dịch vụ nạo phá thai phát triển là những “tòng phạm” dẫn đến tình trạng này. Tác động tiêu cực từ việc chênh lệch giới tính sẽ thực sự bộc lộ trong 12 - 15 năm tới với hàng loạt vấn đề như: các em trai khi đến tuổi kết hôn sẽ khó tìm vợ; gia tăng tệ nạn mại dâm, tội phạm buôn bán phụ nữ…
 
Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do tâm lý, tập quán sản xuất nông nghiệp. Tâm lý thích đông con và phải có được con trai vẫn còn đeo đẳng, ám ảnh trong một bộ phận lớn người dân. Điều này đã tạo nên những khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con, đảm bảo cân bằng giới tính và chất lượng dân số.
 
Công tác chỉ đạo việc thực hiện công tác dân số có lúc, có nơi còn bị buông lỏng do sớm thỏa mãn với những kết quả bước đầu. Trong khi đó, người dân còn có những hiểu nhầm khi pháp lệnh dân số được ban hành vào năm 2003.
 
Việc “xóa sổ” ủy ban dân số, gia đình và trẻ em ở cấp tỉnh, huyện đã dẫn đến việc thiếu hụt trầm trọng đội ngũ chuyên trách làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở các cấp cơ sở.
 
Mặt khác, các biện pháp hỗ trợ việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình hiện nay còn thiếu đồng bộ. Nội dung và hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện xã hội của từng vùng nên hiệu quả chưa cao.
 
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trong thời gian tới, các cấp các ngành, đặc biệt là ngành y tế cần tăng cường chỉ đạo công tác dân số bắt đầu từ việc nhận thức rõ tính chất khó khăn, phức tạp, lâu dài của công tác dân số, kiên quyết chống lại tư tưởng chủ quan, thỏa mãn.
 
Cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác dân số ở địa phương. Tăng cường củng cố tổ chức bộ máy và chuyên môn hóa bộ máy làm công tác dân số ở các thôn, làng, khối, xóm dân cư để đưa từng nội dung tuyên truyền việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đến tận từng người dân và từng gia đình.

Bùi Minh Tuấn
.