Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nhung-dieu-kho-hieu-trong-mot-quyet-dinh-cat-che-do-tro-cap-tnxp-524331/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nhung-dieu-kho-hieu-trong-mot-quyet-dinh-cat-che-do-tro-cap-tnxp-524331/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những điều khó hiểu trong một quyết định cắt chế độ trợ cấp TNXP - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 23/08/2014, 13:52 [GMT+7]

Những điều khó hiểu trong một quyết định cắt chế độ trợ cấp TNXP

(Congannghean.vn)-Vừa qua, Sở LĐTB&XH Nghệ An đã thành lập đoàn thanh tra xác minh những nội dung tố cáo cho rằng, ông Trần Quyết Thắng trú tại xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương không đi TNXP, không bị thương trong chiến tranh chống Mỹ vẫn được hưởng chế độ thương binh. Sau đó, Sở LĐTB&XH đã có kết luận thanh tra, tuy nhiên, trong văn bản này có nhiều vấn đề “bất thường” khiến người bị tố cáo vẫn tiếp tục kêu oan và gửi đơn khiếu nại về nội dung kết luận thanh tra tới các cấp có thẩm quyền.
 
Từ một kết luận thanh tra
 
Vừa qua, Báo Công an Nghệ An nhận được đơn khiếu nại của ông Trần Quyết Thắng trú tại xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương phản ánh về việc ông “bỗng dưng” bị cắt chế độ trợ cấp TNXP. Qua xác minh, chúng tôi được biết, ông Trần Quyết Thắng (SN 1954) quê quán xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An đi TNXP vào ngày 12/6/1972. Thời kỳ đó, ông Thắng với đồng đội của mình là những người cùng xã, cùng huyện tham gia vào đơn vị 2896 để phục vụ công tác đảm bảo giao thông tại cầu Bùng, huyện Diễn Châu. Đến khi bị thương vào ngày 18/10/1972, ông được đồng đội đưa đi cấp cứu, chữa trị ở trạm xá giao thông đóng tại xã Đô Thành, huyện Yên Thành. Khi bình phục, ông tiếp tục trở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ, đến cuối năm 1974 thì được xuất ngũ trở về địa phương. Tháng 2/1975, ông Trần Quyết Thắng tiếp tục lên đường nhập ngũ vào bộ đội thuộc Sư đoàn 324, đến tháng 10/1977, ông xuất ngũ trở về địa phương tham gia phong trào tập thể rồi làm Phó Trưởng Công an xã từ năm 1989 đến nay.
 
Tuy nhiên, sau khi có đơn tố cáo ông Thắng không đi TNXP, không bị thương nhưng được hưởng chế độ như thương binh, đoàn thanh tra của Sở LĐTB&XH đã vào cuộc xác minh và kết luận đơn thư tố cáo của công dân là có cơ sở. Theo đó, vào ngày 9/7/2014, Sở LĐTB&XH ra Quyết định số 1189/QĐ-LĐTBXH đình chỉ việc trợ cấp chế độ và thu hồi giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh đối với ông Trần Quyết Thắng.
 
Trước đó, tại Kết luận thanh tra của Sở LĐTB&XH số 1341/KL-TTr ngày 4/7/2014 có 3 nội dung chính cho rằng: 1. Hồ sơ thương tật của ông Trần Quyết Thắng được xác lập không đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT/BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 6/7/1999 của liên Bộ LĐTBXH và Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; 2. Những người làm chứng mà ông Thắng cung cấp ngày 3/4/2014 (sau khi có đơn tố cáo) đều không đi TNXP, không chứng kiến ông Thắng bị thương khi đang làm nhiệm vụ nên không có cơ sở để chứng minh ông Trần Quyết Thắng có đi TNXP và có bị thương; 3. Tỉnh đoàn Nghệ An thẩm định hồ sơ không chặt chẽ khi cấp Giấy chứng nhận bị thương số 89CN/TĐ ngày 19/2/2003 cho ông Trần Quyết Thắng dẫn đến ghi ngày tháng năm tham gia TNXP của ông Thắng trong giấy chứng nhận bị thương không đúng so với các giấy tờ do ông Thắng và người làm chứng khai trong hồ sơ.
 
Từ những nội dung viện dẫn trên, Kết luận thanh tra số 1341 cho rằng, đơn tố cáo của công dân (trực tiếp là ông Hoàng Văn Nam trú tại xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương - P.V) là có cơ sở, ông Trần Quyết Thắng không đủ điều kiện để hưởng chế độ người hưởng chính sách như thương binh theo Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT/BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 6/7/1999 của liên Bộ LĐTBXH và Trung ương Đoàn TNCSHCM.
 
Ông Trần Quyết Thắng tiếp tục khiếu nại về việc ông bị cắt chế độ trợ cấp TNXP không đúng
Ông Trần Quyết Thắng tiếp tục khiếu nại về việc ông bị cắt chế độ trợ cấp TNXP không đúng
 
Đến cơ sở kết luận không thuyết phục
 
Để chứng minh cho kết luận này, trong nội dung thứ nhất của Kết luận thanh tra số 1341 lý giải rằng, bà Tôn Thị Liên là người làm chứng không cùng đơn vị với ông Trần Quyết Thắng, không trực tiếp chứng kiến ông Thắng bị thương, không biết ông Thắng có tham gia TNXP hay không, ở đơn vị nào, có bị thương hay không. Chưa hết, nội dung Kết luận số 1341 còn trích dẫn tại điểm 3.2, khoản 3, mục I, Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT/BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 6/7/1999 thì bà Tôn Thị Liên không đủ điều kiện làm chứng cho ông Thắng. Tuy nhiên, một điều khiến dư luận đặt câu hỏi là, không hiểu đoàn thanh tra của Sở LĐTB&XH đã trích lục nội dung điều khoản này ở đâu ra và ở văn bản nào để lý giải cho điều mặc nhiên rằng, bà Tôn Thị Liên không đủ điều kiện là người làm chứng cho ông Thắng?
 
Bởi khi đối chiếu với Thông tư liên tịch số 16/1999/TTLT/BLĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 6/7/1999, tại mục I (Đối tượng và điều kiện áp dụng) không hề có điểm 3.2, khoản 3. Mặt khác, tại nhiều giấy tờ liên quan đã khẳng định bà Tôn Thị Liên (SN 1952) quê quán xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, Nghệ An là TNXP thuộc đơn vị 2896, Đội 289. Kỷ niệm chương TNXP do Bí thư thứ nhất TWĐTNCSHCM Vũ Trọng Kim ký ngày 18/8/2000 đã công nhận bà Tôn Thị Liên thuộc đơn vị 2896, Đội 289. Tại Quyết định phục viên ngày 25/10/1972 cũng ghi rõ, bà Tôn Thị Liên thuộc C 2896, Đội 289 Nghệ An. Xin được nói thêm rằng, đơn vị C 2896 thuộc nhiệm kỳ 3 (giai đoạn 1972 - 1975) gồm 3 đội, riêng Đội 289 do đồng chí Lý Văn Nhãn làm Đội trưởng, các đồng chí Nguyễn Sỹ Hóa, Phan Văn Thám, Nguyễn Thanh Tiên làm Đội phó, đồng chí Hồ Minh Đàn làm Bí thư Đảng ủy. Như vậy, ngay trong nội dung thứ nhất của Kết luận 1341 đã thiếu căn cứ xác thực.
 
Nội dung thứ 2 kết luận rằng, tại buổi làm việc vào ngày 3/4/2014 về những nhân chứng ông Trần Quyết Thắng đã cung cấp đều không đi TNXP? Xin nói lại rằng, những nhân chứng mà ông Thắng đã cung cấp gồm: Bà Tôn Thị Liên, ông Trần Sỹ Ngọc (nguyên Đại Đội trưởng 2896) đều là những người được các cơ quan có thẩm quyền công nhận là có tham gia TNXP qua các giấy tờ, tài liệu liên quan. Tại sao đoàn thanh tra của Sở LĐTB&XH lại không dựa vào những căn cứ này mà vội vàng kết luận các nhân chứng trên đang sống bằng da, bằng thịt lại không đi TNXP rồi phủ nhận hoàn toàn? Điều này, Sở LĐTB&XH và các ngành chức năng cần xem xét lại để thể hiện tính công minh, khách quan hơn.
 
Còn nữa, trong nội dung kết luận cuối cùng cho rằng, việc thẩm định giấy chứng nhận bị thương sai lệch về ngày tháng năm tham gia TNXP của Tỉnh đoàn với lời khai trong hồ sơ đề nghị chứng nhận bị thương là thiếu khách quan. Về điều này, trách nhiệm đáng ra là của Tỉnh đoàn, vì đây là đơn vị trực tiếp lưu giữ, hoàn chỉnh hồ sơ cho ông Trần Quyết Thắng nên việc ghi thời gian tham gia TNXP là sự tắc trách của cán bộ thực thi thời đó. Tại sao trước khi cấp giấy chứng nhận bị thương, Tỉnh đoàn lại không dựa vào hồ sơ của ông Trần Quyết Thắng đã được công nhận, đệ trình trước đó? Vì thế, với lý do này, Kết luận thanh tra số 1341 của Sở LĐTB&XH không thể xem là căn cứ để “loại” ông Trần Quyết Thắng không đủ điều kiện hưởng chế độ người hưởng chính sách như thương binh được.
 
.

Ngọc Thái