Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/26058-thoi-cua-hat-nhep-hay-lam-dung-cong-nghe-392709/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201302/26058-thoi-cua-hat-nhep-hay-lam-dung-cong-nghe-392709/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thời của 'hát nhép' hay lạm dụng công nghệ?! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 05/02/2013, 07:50 [GMT+7]
26058

Thời của 'hát nhép' hay lạm dụng công nghệ?!

Ca sĩ Minh Hằng từng bị nghi vấn "hát nhép" trong đêm chung kết lần thứ 4 chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" diễn ra ngày 4/11/2012
Gần đây, Chính phủ đã phải ra Nghị định 79/2012/ NĐ-CP cấm hát nhép và trang phục biểu diễn không phù hợp. Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thi hành.

Sự lạm dụng công nghệ trong hoạt động biểu diễn ca nhạc được dân gian gọi là "nhép", một hiện tượng ngày càng phổ biến và đã bị báo chí nhiều lần lên án. Gần đây, Chính phủ đã phải ra Nghị định 79/2012/ NĐ-CP cấm hát nhép và trang phục biểu diễn không phù hợp. Nghị định này có hiệu lực từ 1/1/2013 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thi hành.

Nghị định nói trên của Chính phủ có vẻ được nhiều người ủng hộ, nhưng có lẽ cũng không mấy ai suy nghĩ tại sao việc hát nhép lại đáng chê trách và việc hát nhép có liên quan như thế nào đến các xu hướng lạm dụng công nghệ nói chung.

Trước hết, tại sao hát nhép lại đáng trách? Ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch, khi đươc hỏi về trường hợp một ca sĩ hát nhép, phát biểu: "Hát nhép là một hành động không thể chấp nhận được, nó lừa dối khán giả một cách trắng trợn" (Vietnamnet, ngày 2/7/2012).

Tuy nhiên, một người bạn hỏi tôi: "Nhưng anh ta có lừa dối đâu? Người hát vẫn là anh ta đấy chứ. Chỉ có điều, anh ta hát trước trong phòng thu. Như thế, phần nào cũng là tôn trọng người nghe. Bởi vì anh ta muốn dành cho thính giả một buổi trình diễn hoàn hảo nhất. Ngoài ra, việc hát nhép cũng tạo điều kiện để ca sĩ thể hiện các động tác sân khấu hiệu quả hơn. Điều đó cũng là phục vụ khán giả chứ".

Lý luận của anh bạn tôi không hoàn toàn sai, nhưng anh nhầm lẫn giữa một sản phẩm nghệ thuật với một buổi biểu diễn nghệ thuật. Sản phẩm nghệ thuật là thứ đã hoàn tất, có thể sử dụng nhiều lần không khác biệt. Còn buổi biểu diễn là một quá trình. Nó có tính thời điểm và không bao giờ lặp lại. Văn hào Argentina từng nói rất hay về chủ đề này: Thời gian không chia ra thành ngày tháng theo cách tiền được chia ra thành những đồng peso. Nếu mọi đồng peso đều giống nhau thì không ngày tháng nào giống ngày tháng nào. Khi chúng ta thưởng thức một tác phẩm qua băng, đĩa, chúng ta thưởng thức một sản phẩm hoàn chỉnh.

Khi chúng ta mua vé xem biểu diễn, chúng ta muốn thưởng thức những khoảnh khắc nghệ thuật không lặp lại - theo nghĩa tổng hòa các yếu tố tham gia vào buổi biểu diễn, bao gồm giọng hát, điệu bộ, địa điểm, không gian, nhạc cụ, đạo cụ, khán giả và cả những yếu tố ngẫu nhiên như thời tiết, sức khỏe của chính người nghe. Khi đi xem biểu diễn, thực chất là chúng ta đến dự một cuộc đối thoại nghệ thuật. Chúng ta không đơn thuần chờ đợi sự hoàn hảo, mà là còn - và chủ yếu là - chờ ở đó những sự bất ngờ. Điều này giống như đi xem một trận đá bóng ngoài sân vận động. Xem đá bóng ngoài sân vận động khác xa với việc xem băng hình chiếu lại một trận bóng đá hay.   

Chụp ảnh cưới để làm album trước ngày hôn lễ phải chăng cũng là một cách "cưới nhép"? (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Vì sao việc hát nhép lại phổ biến như vậy? Một trong những lý do là sự bất tài: Một số ca sĩ có giọng hát bình thường, hay thậm chí không có "tai nhạc", nhưng lại ham nổi tiếng nên phải làm và chỉnh trang sẵn một bản trong phòng thu thay vì hát trực tiếp trên sân khấu. Một lý do khác là sự lười biếng.

Nhưng sẽ không công bằng nếu đổ tất cả lỗi lầm cho ca sĩ. Trong nhiều trường hợp, chính những nhà tổ chức bắt buộc ca sĩ phải hát ''nhép'' để tiết kiệm chi phí cho việc luyện tập, cho việc thuê trang thiết bị và nhạc công, và để tránh "rủi ro". Tờ Petro Times trích lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong một buổi tọa đàm: "Ở một số chương trình nghệ thuật lớn tầm cỡ quốc gia, sự kiện văn hóa… nên cho ca sĩ hát nhép để bảo đảm âm thanh, vũ đạo…

Vì trong một số chương trình, dàn dựng âm nhạc không thể quy mô, thiết bị, kỹ thuật âm thanh có thể không tốt sẽ dẫn đến chất lượng của buổi biểu diễn bị ảnh hưởng. Hoặc vì thời tiết xấu, đường truyền trong các chương trình truyền hình trực tiếp không bảo đảm, nếu hát trực tiếp cũng làm cho buổi biểu diễn kém chất lượng hoặc gián đoạn. Cho nên thay vì hát trực tiếp nên để các ca sĩ hát ''nhép'' nhằm bảo đảm an toàn". Điều này đặc biệt đúng đối với các hoạt động biểu diễn vì mục đích thương mại. Thêm vào đó, cách làm việc thiếu kế hoạch của các nhà tổ chức cũng là một lý do khác: Nhiều trường hợp ca sĩ buộc phải hát ''nhép'' vì không có thời gian để tập luyện.

Tuy nhiên, đằng sau tất cả các lý do đó là sự lạm dụng công nghệ. Những người không am hiểu về công việc thu thanh không biết rằng, việc thu thanh ngày nay khác xa với việc thu thanh vài chục năm trước. Ngày trước, khi thu, dàn nhạc phải chơi trực tiếp, và ca sĩ phải tập bài kỹ lưỡng. Mỗi lần ca sĩ hát không đạt là cả dàn nhạc phải chơi lại từ đầu.

Vì thế, công việc thu thanh đòi hỏi sự lao động hết sức nghiêm túc của ca sĩ. Ngày nay, việc thu nhạc thường được tiến hành trước. Có ca sĩ đến phòng thu vẫn chưa biết mình sẽ hát gì. Họ hát từng câu, hỏng câu nào hát lại câu đó rồi nối lại. Ngay cả những chỗ ca sĩ hát "phô" thì người ta cũng dễ dàng chỉnh lại cho hết phô.

Sự lạm dụng công nghệ không chỉ có ở công việc ca hát, mà còn phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác. Đến mức có thể nói không quá lời rằng thời đại ngày nay đang có nguy cơ trở thành thời của "nhép". Công việc kiến trúc nhà ở chẳng hạn. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng tuyệt đại công trình được xây dựng gần đây - các cao ốc, siêu thị, và đặc biệt là các biệt thự - cứ na ná giống nhau.

Lý do thật đơn giản, các kiến trúc sư thường chẳng mấy nhọc công suy nghĩ về các giải pháp riêng biệt cho từng căn nhà ở từng vị trí riêng biệt. Trong laptop của họ đã có hàng nghìn kiểu nhà có sẵn, na ná giống nhau. Công việc "thiết kế" của họ chủ yếu là lựa chọn trong số đó một bản thiết kế nào đó và họ thuyết phục để chủ nhà đồng ý, tiếp đó là chỉnh sửa ít nhiều bản thiết kế có sẵn, thêm thắt các tiểu tiết. Thiết kế như vậy thực chất là "thiết kế nhép".

Trong ngành Giáo dục cũng xuất hiện xu hướng "dạy nhép". Bài giảng được các thầy cô thiết kế sẵn thành các "power-points" lưu trong laptop để sử dụng cùng với máy chiếu. Dĩ nhiên, sử dụng power-points hợp lý là điều rất đáng khuyến khích. Vấn đề là sự lạm dụng. Nếu như một giờ giảng đích thực phải là sự tương tác ngẫu hứng không bao giờ lặp lại giữa thầy và trò - của lời nói, ánh mắt, dòng chữ viết tay của thầy… - thì sự lạm dụng kỹ thuật có xu hướng biến các bài giảng thành việc chiếu đi chiếu lại một cách lạnh lùng các "slides" có sẵn.

Trong thực tiễn công tác của mình, tôi từng gặp những giáo viên chỉ nhận lời giảng dạy nếu được cấp sẵn "power-points" bài giảng. Khi đó công việc của họ chỉ đơn thuần là đọc lại nội dung các "slides". Những giáo viên này thường được gọi đùa là "giáo gọi".

Tâm lý "nhép" còn lan tỏa đến cả các hoạt động tình cảm riêng tư như cưới xin. Ngày trước, ảnh cưới là những tấm ảnh ghi lại đám cưới, tức là ghi lại những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời hai vợ chồng. Bây giờ, rất nhiều đôi trẻ khi đem thiếp đến mời đám cưới còn mang theo tập "ảnh cưới". Hồi đầu, tôi rất ngạc nhiên: Tại sao chưa cưới mà đã có ảnh cưới? Thì ra đó là ảnh họ "diễn" ở "ảnh viện".

Phần lớn những bộ ảnh ấy na ná giống nhau, với những cảnh ôm eo, trao nhẫn, ôm hôn, nâng váy và âu yếm trên giường… giả cưới. Biết gọi đó là gì, nếu không phải là "cưới nhép"? Tôi thường không hào hứng khi được mời xem những bộ ảnh "cưới nhép" như vậy. Và tôi tin tưởng rằng chính những đôi bạn trẻ rồi cũng sẽ yêu quý những tấm ảnh chụp trong đám cưới thực - dù có vụng về, thiếu sang hay thiếu sự can thiệp của photoshop - hơn là những tấm ảnh "cưới nhép" hào nhoáng thời thượng kia.



VNCA
.