Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/bao-tang-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-co-gi-dac-biet-472690/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201404/bao-tang-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-co-gi-dac-biet-472690/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có gì đặc biệt? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 12/04/2014, 10:01 [GMT+7]

Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có gì đặc biệt?

(Congannghean.vn)-Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình đang được gấp rút thi công, hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đóng vai trò bổ sung cho cụm di tích chiến trường Điện Biên năm xưa, bảo tàng sẽ là điểm dừng chân, giúp du khách có cái nhìn tổng quan về cuộc tổng công kích thắng lợi; một sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của cha ông ta một thời đánh Pháp.
KTS Nguyễn Tiến Thuận
KTS Nguyễn Tiến Thuận
 
Người đưa ra ý tưởng thiết kế Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chính là kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tiến Thuận. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông để tìm hiểu về kiến trúc độc đáo của bảo tàng này.
 
PV: Thưa kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là nơi tái hiện một bước ngoặt lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về ý tưởng thiết kế bảo tàng?
 
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Khi nói đến mảnh đất Điện Biên thì mọi người sẽ hình dung đây là vùng đất nhiều đồi núi. Nếu như bảo tàng được xây dựng trên một mặt phẳng, trên một khu phố thì rất khó cảm nhận được hình ảnh của nó. Tôi muốn có những hình ảnh về địa hình tự nhiên của Điện Biên. Đó cũng là những công sự, giao thông hào, hình ảnh chiến trường mà bộ đội ta đã từng chiến đấu mà nếu hình dung tổng quát, nhìn từ xa có thể cảm nhận được.
 
Một đặc điểm nữa là, khi bàn về trận đánh cùng với Đại tướng và các vị lãnh đạo chiến dịch, trong một lúc nói, Bác đã cầm mũ úp lên mặt bàn. Cử chỉ ấy diễn tả điều Bác nói là chiến dịch này phải đánh địch theo kiểu như thế. Ngoài ra, hình ảnh mũ lưới khi du khách nhìn từ ngoài vào trong bảo tàng cũng có một triết lý, một liên hệ là lưới của quân và dân ta, vây bắt kẻ thù.
 
Phía ngoài bảo tàng là những đường đi gây cho du khách cảm giác như được đi trong những công sự, mang tạo hình của những kí ức về giao thông hào. Toàn bộ vỏ mũ, thực chất là tường của bảo tàng được ốp bằng đá xám - nguồn nguyên liệu sẵn có của Điện Biên. Loại đá này mềm, có thể thấm nhưng lại không bị lão hóa theo thời gian.
 
PV: Bức tranh Panorama theo tôi biết là một bức tranh tròn khép kín, đường kính 42m, chiều cao 9,3m – là một công trình nghệ thuật tái hiện những khoảnh khắc lịch sử, đồng thời cho người xem cái nhìn toàn diện về trận đánh?
 
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Cuộc sống ngày càng phát triển, hình ảnh chiến tích xưa đang bị lấn át nên không dễ dàng hình dung được. Chính vì thế, trong không gian bảo tàng dứt khoát sẽ có một bức tranh tròn, toàn cảnh chiến trường, được giao cho các họa sĩ. Đó sẽ là một nội dung lớn. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ được đưa tranh tròn Panorama. Chiến dịch này được nghệ thuật hóa là một câu chuyện hết sức tập trung với địa hình một thung lũng. Bao quát sự kiện ấy là toàn bộ trận đánh xảy ra ở cánh đồng Mường Thanh, xung quanh là đồi núi. Điều đó cũng phù hợp với bức tranh toàn cảnh khi một du khách đứng ở giữa để nhìn 4 phía, thấy được sự hiện diện của tất cả những câu chuyện lịch sử. Đây cũng là cơ hội để các họa sĩ, nhà tạo hình gửi gắm ý tưởng, làm sao cho du khách đến đây có thể hình dung được.
 
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được đánh giá cao nhờ thiết kế độc đáo
Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được đánh giá cao nhờ thiết kế độc đáo
PV: Được biết kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận cũng là tác giả của công trình tu bổ, nâng cấp khu tưởng niệm nghĩa trang đồi A1 và khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì đất nước tại tỉnh Điện Biên. Ông có thể chia sẻ thêm hai câu chuyện - hai ý tưởng này?
 
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Nghĩa trang đồi A1 có 644 phần mộ liệt sĩ. Các anh hùng Trần Can, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót... đang nằm yên nghỉ ở đây. Tôi nghĩ đây không chỉ là 644 liệt sỹ, anh hùng mà là 644 ngôi sao sáng của dân tộc Việt Nam. Gương hy sinh của họ cùng những đồng đội phải được tỏa sáng đến bây giờ và mãi mãi về sau. Tôi nghĩ rằng tại sao không thắp cho mỗi anh hùng một ngôi sao. Buổi tối, khi mọi người nhìn vào sẽ thấy 644 ngôi sao rực sáng, vẫn răn dạy chúng ta điều gì đó để tiếp tục cống hiến cho đất nước. Tạo ra một hình chữ A giống như một trái núi, đưa vào trong đó 644 ngôi sao tỏa sáng (được sử dụng công nghệ đèn led-tiết kiệm điện), trên cùng là ngôi sao Tổ quốc có nghĩa là tôi đã tìm ra được cái riêng của A1, tức là 644 phần mộ đang yên nghỉ ở nơi đây và cũng là hình ảnh hoa văn dân tộc Thái - đại diện cho miền Tây Bắc.
 
Còn ý tưởng về khu tưởng niệm các anh hùng đã hy sinh vì dân tộc thì tôi thấy rằng: Nhu cầu tâm linh của người dân là một đòi hỏi hằng ngày. Nói về mặt duy tâm, nơi đây rất cần hương khói đều đặn. Tôi muốn xây dựng một nơi để du khách tụ lại, thỏa mãn tâm nguyện về tâm linh. Khu tưởng niệm này không chỉ thuần túy là một khu đền mà phải là thu hút du khách, đưa nó vào khai thác du lịch. Trong thiết kế, tôi nghĩ rằng từng nội dung phải tách bạch, không thể lộn xộn được. Điều đó có nghĩa là khu vực ngoài dành để đón tiếp, sẽ khá ồn ào. Nhưng khi bước qua cổng tam quan, ý thức con người phải khác, bởi đó là nơi thiêng liêng.
 
PV: Nền tảng nào để ông có thể đưa ra những ý tưởng phù hợp với mảnh đất và con người Điện Biên?
 
KTS Nguyễn Tiến Thuận: Phải nói rằng bà con các dân tộc ở Điện Biên có lịch sử văn hóa rất lâu đời. Chính những lúc được ngồi nói chuyện với già làng, được vào nhà đồng bào xem cách ăn ở, thì tôi mới cảm nhận được cuộc sống của họ rất có ý nghĩa. Bao nhiêu năm tháng họ phải chịu sức ép của cuộc chiến tranh, cho đến bây giờ cuộc sống ổn định, tươi đẹp nhưng vẫn giữ được giá trị truyền thống, cớ gì mà trong những tác phẩm của mình, những giá trị truyền thống ấy không được lưu giữ, gửi gắm.
 
Tôi cho rằng: Một trong những điều quan trọng nhất để tìm ra được đề xuất sáng tạo là phải xuất phát từ cuộc sống - xuất phát từ hiện thực cuộc sống, nhu cầu đời sống người ta mong muốn gì thì mình đáp lại. Thứ hai, nó phải xuất phát từ đặc điểm từ khí hậu vùng miền đó. Kiến trúc không thoát ra khỏi môi trường sinh ra nó, có nghĩa là những gì chúng ta xây dựng nên thì phải để người dân phải đồng cảm được rồi mới nói đến du khách ở xa. Ngoài những yếu tố về khoa học, logic, phương pháp luận của người làm nghề thì anh phải luôn hiểu về văn hóa, đời sống, xã hội, đặc biệt phải coi trọng vấn đề nghiên cứu về khí hậu địa phương. Đấy là những cái cho chúng ta những đồ án, công trình, đề xuất có cơ sở và nói đúng hơn nó sẽ tồn tại ở nơi đấy.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
.

Nguồn: CAND